Cần ưu tiên quỹ đất cho giáo dục

Thứ tư - 27/03/2019 13:47
Việc thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy đã được làm đồng bộ từ mầm non, phổ thông đến dạy nghề và được điều chỉnh qua những biến động của tình hình dân cư, kinh tế - xã hội, song việc thành lập mới các trường là lĩnh vực có nhiều biến động nhất so với quy hoạch được phê duyệt.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cần ưu tiên quỹ đất cho giáo dục

Việc thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy đã được làm đồng bộ từ mầm non, phổ thông đến dạy nghề và được điều chỉnh qua những biến động của tình hình dân cư, kinh tế - xã hội, song việc thành lập mới các trường là lĩnh vực có nhiều biến động nhất so với quy hoạch được phê duyệt.


Ít trường được thành lập mới


Mục tiêu thành lập mới các trường công lập của tỉnh đều đạt thấp so với quy hoạch đến năm 2020. Trong đó, giáo dục mầm non mới chỉ đạt 14,3%, tiểu học 17,1%, THCS 32,6%, THPT 12,5% (nếu tính cả 5 trường THPT đang được đầu tư xây mới cũng chỉ đạt 43,8% mục tiêu quy hoạch). Vì vậy, khi điều chỉnh quy hoạch, thành lập mới các trường công lập là mục tiêu được điều chỉnh nhiều nhất.

 

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc thành lập mới trường công lập không đạt kế hoạch đề ra có nhiều nguyên nhân. Một số địa phương chưa thực hiện được việc chia tách đơn vị hành chính cấp xã, phường nên chưa có cơ sở để thành lập trường mới. Chẳng hạn như dự định thành lập 5 trường mầm non công lập của TP. Cam Ranh, song thực tế chưa thành lập, gồm: Cam Nghĩa 2, Cam Thịnh Đông 2, Cam Phúc Bắc 2, Linh - Thuận - Phú, Trà Long vì chưa tách xã, phường. Huyện Cam Lâm cũng ở trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, do số lượng học sinh (HS) không tăng hoặc giảm và do việc thực hiện tăng sĩ số HS trong mỗi lớp (phấn đấu tăng số HS trong một lớp lên 35 HS/lớp đối với tiểu học) nên số lớp/trường không tăng, không còn nhu cầu thành lập trường mới. Chẳng hạn như dự kiến thành lập thêm 7 trường tiểu học ở thị xã Ninh Hòa là: Ninh An 2, Ninh Đa 2, Ninh Thọ 2, Ninh Thủy 2, Ninh Sim 2, Ninh Sơn 2, Ninh Long, nhưng trong quá trình thực hiện quy hoạch không triển khai vì không xuất hiện nhu cầu cấp thiết phải thành lập mới. Một nguyên nhân nữa là do chưa bố trí được quỹ đất và vốn kịp thời, như việc thành lập Trường Tiểu học Cam Đức 3, Trường THCS Cam Hải Đông của huyện Cam Lâm, Trường THPT Bắc Diên Khánh…

 

1

Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang).

 

Trong khi đó, việc thành lập mới các trường tư rất khó hoạch định kế hoạch một cách rõ ràng vì phụ thuộc vào đầu tư của khu vực ngoài ngân sách nhà nước là chính. Tỉnh và huyện chỉ có thể đưa ra chính sách khuyến khích vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ý chí và tiềm lực đầu tư của khu vực tư nhân; nhu cầu học tập và khả năng đáp ứng hiện tại của khu vực trường công tại mỗi địa phương; điều kiện kinh tế hay khả năng chi trả học phí của người dân... Trên thực tế, giai đoạn 2012 - 2017, tất cả những địa phương dự kiến có thành lập mới trường tư đều không trở thành hiện thực. Trong khi đó, những nơi không đặt mục tiêu thì lại có trường tư được thành lập mới, thậm chí số lượng cơ sở giáo dục tư được thành lập mới rất lớn, như trường hợp giáo dục mầm non của TP. Nha Trang.


Dành quỹ đất cho giáo dục


Một thực trạng của ngành Giáo dục những năm qua là sĩ số lớp học ở nhiều địa phương ngày càng đội lên, vượt quá quy định, nhất là ở các khu đô thị, khu công nghiệp. Ngành Giáo dục đã có những giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng này, song cần nhất là một chiến lược dài hạn được khảo sát, hoạch định, dự báo, xây dựng kế hoạch đầu tư trường lớp có tính khả thi.

 

Toàn tỉnh hiện có 549 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, các loại hình trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, tăng 5 trường so với cuối năm học 2017 - 2018. Theo quy hoạch đã được điều chỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 571 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh gần đây, bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT đã đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên quỹ đất để phát triển giáo dục và ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu của Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sở cũng đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép lập Đề án tăng cường cơ sở vật chất cho các trường THPT đạt chuẩn quốc gia thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, quan tâm cân đối nguồn kinh phí đầu tư cho các phòng bộ môn đã xuống cấp và lạc hậu.


Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đề nghị được giữ lại cơ sở cũ của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn làm quỹ đất phát triển các cơ sở giáo dục. Bởi hiện nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Nha Trang nói chung và trong khu vực phường Phương Sài, các phường lân cận nói riêng đều có diện tích rất nhỏ hẹp, sĩ số HS/lớp rất cao nhưng lại không đủ diện tích đất để nâng cấp, mở rộng phát triển quy mô cũng như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục.


Trước yêu cầu chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay, sở đang triển khai thủ tục xây dựng Trường THPT Vĩnh Lương theo Nghị quyết đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 tại xã Vĩnh Lương để đáp ứng nhu cầu học tập của HS khu vực phía bắc TP. Nha Trang. Khi dự án xây dựng hoàn thành (dự kiến cuối năm 2021), sở kiến nghị tỉnh cho phép ngành Giáo dục thực hiện công tác xã hội hóa chuyển đổi cơ sở 2 của Trường THPT Hoàng Văn Thụ sang loại hình ngoài công lập…


H.NGÂN
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp