Lâu nay, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS) chưa coi trọng việc kê khai sản xuất ban đầu. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản quy định việc kê khai sẽ là một trong những điều kiện bắt buộc để Nhà nước xem xét hỗ trợ người sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Thủ tục bắt buộc
Ngày 15-10-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3185 công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực phòng, chống thiên tai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Danh mục gồm 3 thủ tục hành chính. Trong đó, thủ tục đầu tiên là người dân đăng ký kê khai số lượng chăn nuôi tập trung và NTTS ban đầu nộp (trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính) tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp xã. Bộ phận tiếp nhận sẽ thực hiện trong 7 ngày. 2 thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh hoặc thiên tai được giải quyết trong 15 ngày làm việc kể từ ngày UBND xã nhận được hồ sơ hợp lệ.
Theo Nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương; có đăng ký kê khai ban đầu, được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung và NTTS hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có); thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Nghị định số 02 được ban hành ngày 9-1-2017, nhưng ngày 11-9-2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có Quyết định số 3499 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ này. Trên cơ sở quyết định công bố trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3185. Việc đăng ký kê khai ban đầu là thủ tục bắt buộc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi không may xảy ra thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; mặt khác, giúp cơ quan nhà nước quản lý và hoạch định phát triển chăn nuôi, NTTS cho phù hợp.
Cần tăng cường tuyên truyền
Ông Lê Xuân Hân (tổ 1, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) chia sẻ, cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm ông mất trắng 500 lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chính vì thế, năm nay, ông đã kê khai đầy đủ số lồng tôm hùm đang nuôi trên diện tích gần 1ha mặt biển. Trong khi đó, bà Hồ Thị Kim Loan (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) cho biết, sau khi sang lại trại nuôi heo công nghiệp, bà giúp con đầu tư 2 trại heo lạnh, nuôi tổng cộng 2.400 con heo từ năm 2018. Hai mẹ con bà đều chưa biết cần phải kê khai sản xuất ban đầu hoặc có chứng nhận kiểm dịch (đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm). Một số hộ nuôi gần khu vực bà ở cũng chưa nắm được quy định trên. Một số hộ ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh làm ăn ở các khu đảo, ít về đất liền cũng chưa thực hiện kê khai.
Cùng với việc người dân tự tìm hiểu, thực hiện kê khai, thời gian qua, ngành chức năng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân kê khai sản xuất ban đầu. Ông Trần Ngọc Phú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cho biết, xã đã thành lập đoàn đi đến từng bè cá, lồng nuôi để tuyên truyền, vận động người dân kê khai. Nhờ đó, đến nay, toàn xã có hơn 50% hộ kê khai sản xuất và nuôi trong vùng quy hoạch. Theo ông Võ Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh, công tác phối hợp tuyên truyền về vấn đề này được thực hiện thường xuyên. Hội Nông dân xã đến các lồng bè trực tiếp tuyên truyền cho người dân. Đến nay, trong số 918 hộ NTTS trên địa bàn xã, đã có 410 hộ kê khai sản xuất ban đầu, chiếm gần 45%. Tương tự, ở xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm), đến nay đã có hơn 82% hộ chăn nuôi kê khai sản xuất.
Thông tin từ các địa phương như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, hiện nay, tỷ lệ hộ NTTS đã kê khai sản xuất ban đầu đạt 60 - 70%. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được kiểm soát chặt chẽ về tổng đàn và số lượng đàn, vật nuôi. Riêng đối với đàn heo, theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến hết tháng 9, tổng đàn heo toàn tỉnh có hơn 318.000 con. Trong đó, đối tượng phải đăng ký kê khai ban đầu là các trang trại, gia trại của người dân, doanh nghiệp chiếm 277 trại với hơn 280.000 con.
MAI - ĐĂNG