Một ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) vừa xuất hiện tại xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Thêm một lần nữa, dịch bệnh lại xảy ra ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn chăn nuôi.
Xuất hiện dịch bệnh
Theo ông Lê Ngọc Tú - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, ngày 2-7, trạm đã kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn heo thịt lai thương phẩm tại 1 hộ ở thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam. Thời điểm kiểm tra, trạm phát hiện có 2 con heo chết, nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Trạm đã phối hợp với UBND xã tiêu hủy số heo chết và lấy 2 mẫu xét nghiệm. Kết quả 2 mẫu dương tính với ASF. Ngày 4-7, UBND xã Cam Hiệp Nam tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo mắc bệnh ASF của hộ nuôi này.
Theo thống kê của cơ quan thú y, hiện nay, toàn xã Cam Hiệp Nam có 32 hộ chăn nuôi heo quy mô nông hộ với tổng đàn 550 con. Đa số các hộ nuôi đều không áp dụng biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Đây là khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, uy hiếp đến những trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Cụ thể, toàn xã có 21 trang trại chăn nuôi hợp đồng với Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Bình Dương, với tổng đàn 25.102 con heo thịt. Hầu hết các trang trại này đều chăn nuôi khép kín, sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ở quy mô toàn huyện, hiện tổng đàn heo của Cam Lâm là 184.000 con. Trong đó, chỉ còn 8.000 con quy mô nông hộ.
Không để lây lan
Ngay khi phát hiện 1 hộ nuôi có heo dương tính với ASF, UBND xã Cam Hiệp Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khống chế ổ dịch này. Cùng với việc khẩn trương xử lý ổ dịch, tiêu hủy heo bệnh, chết; tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng, xã đã lập biển báo nơi có dịch, thống kê tổng đàn heo; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, nhu cầu vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm tăng cao; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong cả nước diễn biến phức tạp; ASF chưa có vắc xin phòng bệnh và mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường chăn nuôi… Tất cả càng khiến cho nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn heo tăng lên. Trước tình hình trên, chi cục đã thông báo và yêu cầu Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Bình Dương và các trang trại chăn nuôi heo gia công của công ty trên địa bàn huyện Cam Lâm tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; có biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm vào trại.
Ngày 5-7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có văn bản đề nghị UBND huyện Cam Lâm tiếp tục chỉ đạo UBND xã có dịch và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, ký cam kết với tất cả hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã có dịch không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ heo nghi mắc bệnh và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi phát hiện gia súc bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán sản phẩm heo và phương tiện vận chuyển heo trên địa bàn; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán heo và sản phẩm heo nghi mắc bệnh.
Hồng Đăng