Các sản phẩm OCOP: Tập trung nâng sức cạnh tranh

Thứ hai - 06/04/2020 12:41
TP. Cam Ranh đang tìm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn sau khi Hội đồng đánh giá, phân hạng của thành phố bình chọn được 3 sản phẩm đặc trưng.    Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Các sản phẩm OCOP: Tập trung nâng sức cạnh tranh
TP. Cam Ranh đang tìm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn sau khi Hội đồng đánh giá, phân hạng của thành phố bình chọn được 3 sản phẩm đặc trưng. 
 
 
Tập trung nâng hạng 
 
 
Qua bình chọn bước đầu ở cấp thành phố, đến nay, TP. Cam Ranh đã chọn được 3 sản phẩm OCOP. Trong đó, sản phẩm xoài sấy dẻo được xếp hạng 3 sao; tôm hùm và táo xếp hạng 2 sao. 
 
 
Để phát triển những sản phẩm OCOP vừa được bình chọn, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã có định hướng cho quá trình này. Ông Nguyễn Chí Lực - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) tôm hùm lồng Tàu Bể Cam Lập cho biết, để nuôi được con tôm hùm đạt thương phẩm thì ngoài công sức, tiền bạc, phải mất thời gian ít nhất 1 năm. HTX có 14 thành viên, là những người có kinh nghiệm nuôi tôm hàng chục năm. Để nâng cao sức cạnh tranh của tôm hùm Bình Ba, HTX dự kiến sẽ lập gian hàng giới thiệu sản phẩm; liên kết đại lý phân phối sản phẩm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; xây dựng các trạm trung chuyển để bảo quản tôm hùm sống; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ tôm hùm… Hiện nay, tôm hùm Cam Ranh được xếp hạng 2 sao, HTX phấn đấu một thời gian nữa đưa sản phẩm lên 3 sao, tham gia bình chọn cấp tỉnh. 

 

Sản phẩm táo Cam Thành Nam.
Sản phẩm táo Cam Thành Nam.
 
 
Về phát triển sản phẩm táo Cam Thành Nam, ông Hồ Tấn Cường - Giám đốc HTX trồng táo Cam Thành Nam cho hay, thời gian qua, cây táo phát triển mạnh. Năm 2018, trên địa bàn xã có 50ha táo, sản lượng 3.500 tấn, bình quân lợi nhuận 250 triệu đồng/ha. Để phát triển sản phẩm táo đạt 3 sao, HTX sẽ kiện toàn tổ chức; đầu tư cơ sở vật chất nhà xưởng, máy móc; vận động nông dân thực hiện VietGAP để HTX thu mua sản phẩm; liên kết với các đại lý trong và ngoài tỉnh phân phối bán hàng kết hợp bán hàng qua mạng; kinh doanh kết hợp bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp…  
 
 
Theo ông Trần Văn Ân - Giám đốc Công ty TNHH Top Food, sản phẩm nông nghiệp qua chế biến gần đây tăng nhanh về chất và lượng, trong đó có xoài sấy dẻo. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, tính minh bạch cũng như truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, việc chuẩn hóa nguyên liệu, nhãn mác, bao bì… là yếu tố cốt lõi để cạnh tranh. Hiện nay, sản phẩm xoài sấy dẻo được công nhận 3 sao và chuẩn bị hồ sơ tham gia thẩm định cấp tỉnh. Nếu đạt, đơn vị sẽ phát triển sản phẩm lên mức cao hơn. Những kế sách cho vấn đề này là: liên kết các vùng trồng xoài cung cấp nguyên liệu chế biến; phân phối bán hàng bằng các kênh siêu thị trong và ngoài tỉnh; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, máy sấy lạnh... 
 
 
Trợ lực cho OCOP
 
 

TP. Cam Ranh đã xây dựng kế hoạch nhằm trợ lực cho OCOP phát triển. Theo đó, thành phố sẽ tìm giải pháp nâng hạng cho 3 sản phẩm OCOP. Các giải pháp đề ra là: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quảng bá hình ảnh; xây dựng hệ thống chỉ đạo; các giải pháp về cơ chế, chính sách (hỗ trợ tham gia OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến nông, xúc tiến thương mại…); tổ chức sản xuất; khoa học - công nghệ (áp dụng công nghệ mới, cải tiến mẫu mã, bao bì; sản xuất sạch; tiêu chuẩn hóa; đăng ký thương hiệu…); huy động nguồn lực... Tổng kinh phí thực hiện trong năm 2020 là 1,08 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, đối ứng của các tổ chức, cá nhân chủ thể 50%. Dự kiến, các sản phẩm được công nhận 3 sao được hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường địa phương, trong nước và quốc tế.  

 

Theo Quyết định 3253 (ngày 26-10-2018) của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện OCOP, các sản phẩm OCOP được phân làm 5 hạng (1 - 5 sao), tổng điểm 100 dựa trên các yếu tố: tiêu chí sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được công nhận 3 sao (cấp tỉnh) trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại theo cấp tương ứng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường địa phương, quốc gia, quốc tế. 
 
Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế Cam Ranh, năm 2019, TP. Cam Ranh có 4 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP. Trong đó, sản phẩm thịt dê không đạt về phương án kinh doanh; còn tôm hùm và táo đạt 2 sao, xoài sấy dẻo đạt 3 sao. Thành phố đang hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm xoài sấy dẻo trình tỉnh xem xét, đánh giá và công nhận sản phẩm này đạt 3 sao. Hiện nay, OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các chủ thể là HTX chưa được đào tạo kiến thức về quản trị kinh doanh nên gặp khó khăn nhất định về đăng ký ý tưởng, xây dựng phương án kinh doanh, tự đánh giá, phân hạng sản phẩm… Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách  OCOP ở một số xã chuyển vị trí công tác, người mới chưa được tập huấn nên khó hướng dẫn, không kịp thời theo dõi chương trình. Thành phố đề nghị tỉnh tăng cường đào tạo, tập huấn về chương trình nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho chủ thể và cán bộ phụ trách.
 
 
V.L 
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp