Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Đặc khu sẽ bổ sung quy định “mở” về việc áp dụng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.
Bên cạnh đó, về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất xây dựng các tiêu chí để rà soát danh mục ngành, nghề này, trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, chỉnh lý một bước danh mục.
Theo đó, dự thảo danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu sau khi được rà soát bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Đối với việc thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, dự thảo Luật sẽ bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc khu của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức mới như Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu là không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Tại dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung một số điều mới quy định về cán bộ, công chức và chế độ công vụ tại đặc khu và chỉnh lý cơ bản quy định về chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại đặc khu.
Theo đó, tại đặc khu, đa số đội ngũ công chức làm việc theo chế độ hợp đồng, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động sẽ được trực tiếp tuyển dụng lao động, không thực hiện chế độ công chức suốt đời, không có chỉ tiêu biên chế. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại đặc khu.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quá trình triển khai thực hiện quy định này phải tính đến yếu tố kế thừa, bảo đảm sự ổn định trong hoạt động của bộ máy chính quyền đặc khu, trước mắt chỉ nên áp dụng đối với bộ phận công chức tuyển dụng mới.
Để đảm bảo hoạt động của bộ máy, chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại theo mô hình mới, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc chuyển tiếp tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Theo dự thảo, HĐND, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được bầu ra.
Về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và việc triển khai thi hành, do đây là một luật mới với những nội dung đặc thù, đột phá, thử nghiệm chính sách nên dự thảo Luật đã bổ sung quy định để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thi hành Luật, đảm bảo tính khả thi và sự kết nối giữa dự thảo Luật với các quy định khác của pháp luật hiện hành./.