Bộ GD&ĐT đề xuất không tăng học phí đại học năm học 2021 – 2022

Thứ ba - 27/04/2021 03:16
Thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học có mức học phí cao nay lại công bố mức học phí năm học 2021 - 2022 tăng so với năm trước. Để giảm khó khăn cho sinh viên, Bộ GD&ĐT đã đề xuất giữ nguyên học phí cho năm học sắp tới. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Bộ GD&ĐT đề xuất không tăng học phí đại học năm học 2021 – 2022
Thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học có mức học phí cao nay lại công bố mức học phí năm học 2021 - 2022 tăng so với năm trước. Để giảm khó khăn cho sinh viên, Bộ GD&ĐT đã đề xuất giữ nguyên học phí cho năm học sắp tới.

 

Hiện nay, mức thu học phí ở nhiều trường đại học đã đạt tới hàng chục triệu đồng/năm học. Ảnh minh họa: Q.Anh
Hiện nay, mức thu học phí ở nhiều trường đại học đã đạt tới hàng chục triệu đồng/năm học. Ảnh minh họa: Q.Anh

 

Nhiều trường dự kiến tăng học phí
 
Thời điểm này, khi mà năm học 2020 - 2021 sắp kết thúc, không ít phụ huynh, sinh viên đại học, đặc biệt là với những thí sinh của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 sắp tới lo lắng bởi chuyện tăng học phí của một số trường. Vấn đề học phí luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chọn trường, đăng ký tuyển sinh sắp tới, bởi nhiều trường đang có học phí cao, nay lại dự kiến sẽ tăng.
 
Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021-2022 nhà trường dự kiến áp dụng mức học phí mới theo 2 mức. Trong đó, nhóm ngành: Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt có mức 32 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là 28 triệu đồng. Học phí này còn chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành. Trong khi đó, năm học 2020 - 2021 mức tạm thu học phí năm học là 14,3 đến 28,6 triệu đồng/năm.
 
Theo giải thích của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đây là đơn giá học phí dự kiến sẽ được áp dụng trong năm học 2021 - 2022, để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học, Trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.
 
Còn tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đối với khoá nhập học năm 2021 (K66), học phí của năm học 2021 - 2022 dự kiến như sau: Chương trình Đào tạo chuẩn (22 - 28 triệu/năm); Chương trình EliTech (40 - 45 triệu/năm); Các chương trình, học phí 50 - 60 triệu/năm gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin Việt - Pháp, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế 45 - 50 triệu/năm, Chương trình Đào tạo quốc tế (55 - 65triệu/năm), Chương trình TROY (80 triệu/năm). Lộ trình tăng học phí từ 2020 đến 2025 mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học.
 
Theo ghi nhận, hiện vẫn còn nhiều trường ĐH, CĐ chưa công khai trên trang thông tin điện tử nhà trường về học phí áp dụng trong năm học 2021 - 2022, ngay cả trong Đề án tuyển sinh 2021 cũng không có, hoặc nếu có cũng chỉ vài dòng vắn tắt, chủ yếu là dự kiến lộ trình tăng học phí… Điều này khiến phụ huynh, thí sinh "bối rối" trong chọn trường đăng ký dự tuyển sắp tới.
 
Đề xuất không tăng học phí năm học 2021 - 2022
 
Trước những băn khoăn về vấn đề học phí các trường đại học, theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến hết năm học 2020 - 2021. Nghị định quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, mức tăng học phí bình quân 10%/năm.
 
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học. Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.
 
Cũng theo Bộ GD&ĐT, tại dự thảo, Bộ đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021 - 2022 như năm học hiện tại, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh. Riêng các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá mức trần nhà nước quy định, các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 - 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
 
Chỉ ra một thực tế học phí cao chưa chắc đã đi kèm với chất lượng mà còn gây khó khăn cho người học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: "Tăng học phí mà chất lượng có tương xứng hay không còn phải qua các khâu thẩm định. Tuy nhiên, mức tăng học phí cần công khai, minh bạch, vì người học chứ không phải được tự chủ là tăng ngay học phí. Bên cạnh việc điều chỉnh học phí cho phù hợp, cần quan tâm, giúp đỡ các sinh viên nghèo bằng các chính sách hỗ trợ, học bổng".
 
Theo Gia đình & Xã hội
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp