Những ông Tây “Chí Phèo”
Một nhân viên bảo vệ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy gọi một bệnh nhân 70 tuổi, có Quốc tịch Đức đang lưu lại ở đây là “ông Tây Chí Phèo”. Nguyên nhân là vì nhiều ngày qua, bệnh nhân này thuộc diện có thể xuất viện nhưng vẫn đòi nằm lì tại khoa và thường xuyên quát nạt nhân viên y tế một cách vô lý.
BS Trần Tuấn Khương, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân đã nhập viện 7 lần. Lần đầu nhập viện vì một bệnh lý tắc tĩnh mạch đùi, chân phù nề. Trước đó, bệnh nhân người Đức này đã được điều trị tại một bệnh viện quốc tế ở TPHCM để xử lý vết thương. Tuy nhiên, khi bệnh nhân hết tiền, bệnh viện này không tiếp nhận nữa. Bệnh nhân tự tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc nhập viện, bệnh nhân không có người thân cũng không có giấy tờ gì ngoài hộ chiếu. Dù vậy, các bác sĩ vẫn tiếp nhận điều trị vì bệnh nhân nhập viện dạng cấp cứu.
Với bệnh lý này, bệnh nhân đã phải làm phẫu thuật đoạn 1/3 chân phải để tránh hoại tử. Sau khi tình trạng vết thương lành, sức khỏe ổn định, các bác sĩ cho bệnh nhân xuất viện. Bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân bằng cách cho xe cấp cứu đưa về khách sạn – nơi bệnh nhân lưu trú. Thế nhưng, khách sạn không tiếp nhận ông Tây này vì không thanh toán được tiền phòng. Không có cách nào khác, ông Tây nhất định đòi nhân viên lái xe đưa quay trở lại bệnh viện để… khám lại.
Do bệnh nhân không có tiền thanh toán viện phí, không thể chuyển lên khoa dịch vụ nên bệnh viện đã để bệnh nhân nằm tại phòng cách li của khoa Cấp cứu. Các nhân viên y tế phải thay nhau chăm sóc bệnh nhân. “Ca này khiến chúng tôi rất đau đầu. Lương tâm nghề nghiệp không thể đẩy một bệnh nhân ra đường trong khi chỉ còn 1 chân và không còn 1 xu dính túi. Trong khi đó, ở lại bệnh viện, bệnh nhân không chịu ăn cơm Việt Nam mà luôn đòi hỏi phải bánh mỳ, uống sữa, ăn phô mai… Nhiều thân nhân người Việt Nam và nhân viên y tế thấy ông ấy cũng tội nghiệp và sợ ông ấy đói lả vì không có thức ăn nên cũng phải bỏ tiền ra mua đồ Tây cho bệnh nhân ăn. Lãnh đạo bệnh viện đã gửi công văn qua Sở Ngoại vụ TPHCM, Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam để tìm người thân cho bệnh nhân nhưng họ thông báo chưa tìm được” - BS Trần Tuấn Khương kể.
Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng “đau đầu” vì một bệnh nhân khác có quốc tịch Mỹ không có thân nhân. Bệnh nhân bị gãy chân do tai nạn giao thông và nghi có ung thư di căn. “Bệnh nhân nhập viện 3 ngày nay mà không có người thân chăm sóc. Trong khi đó, ông ấy bị tiêu chảy liên tục, chúng tôi phải làm vệ sinh liên tục cho ông ấy. Với vóc dáng to lớn của người nước ngoài, mỗi lần chăm sóc là 3-4 điều dưỡng mới có thể đỡ lên, vệ sinh, thay tã… Do bệnh nhân không có tiền nên tôi phải bỏ tiền ra mua tã cho ông ấy thay” - Điều dưỡng Nguyễn Phương Đài, điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Theo điều dưỡng Phương Đài, bệnh nhân người Mỹ này thường xuyên quát nạt nhân viên y tế và không chịu uống thuốc, chích thuốc. Để có thể chích thuốc cho bệnh nhân, 2-3 nhân viên y tế phải đến giải thích, thậm chí giữ tay giữ chân.
Không thể bỏ mặc bệnh nhân
Nói về câu chuyện này, BS Trần Hữu Long, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy lắc đầu ngao ngán: “Ban lãnh đạo bệnh viện họp suốt, làm công văn gửi Sở Ngoại vụ, gửi Lãnh sự quán không biết bao nhiêu lần mà chẳng giải quyết được gì. Lần nào nhận được phản hồi bên họ cũng là những câu trả lời mà chúng tôi đã thuộc lòng. Đại loại, họ trả lời là đã liên hệ tìm người thân cho bệnh nhân nhưng không tìm được nên vấn đề viện phí… rất tiếc là không giải quyết được”.
Theo BS Trần Hữu Long, tình trạng người nước ngoài không người thân điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy không phải là hiếm. Thống kê năm 2016, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 496 lượt người nước ngoài, có 41 trường hợp tử vong và xin về. Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 281 lượt bệnh nhân nước ngoài, 23 ca đã tử vong. Trong năm 2017, tổng viện phí người nước ngoài “nợ” không thanh toán cho bệnh viện là hơn 700 triệu đồng.
Cá biệt, năm 2016, một bệnh nhân người Hi Lạp “mắc nợ” bệnh viện hơn 600 triệu đồng. Sau đó, bệnh nhân thanh toán được hơn 300 triệu đồng và nợ lại gần 300 triệu đồng chưa trả. Nhiều trường hợp bệnh nhân người nước ngoài tử vong tại bệnh viện mà không có người thân. Sau khi bệnh viện thông báo với Sở Ngoại vụ, Lãnh sự quán thì được “ủy quyền” hỏa táng và gửi cốt vào chùa. Chi phí mai táng bệnh viện cũng phải tự lo.
“Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối. Các ca tai nạn của người nước ngoài từ Khánh Hòa tới Cà Mau đều được chuyển về đây cấp cứu. Theo nguyên tắc, khi vào cấp cứu, bệnh nhân phải được cứu chữa trước, thủ tục tính sau. Chúng tôi không hề nắm được thông tin bệnh nhân ở đâu, người thân ra sao… Đến khi họ nói không có tiền, không có người thân thì chúng tôi chỉ biết gửi công văn đến các Lãnh sự quán và Sở Ngoại vụ để cầu cứu. Nhưng số ca được giải quyết rất ít. Chúng tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân, vì nhân đạo và vì quan hệ quốc tế. Lỡ bệnh nhân có vấn đề gì thì có thể sẽ để lại hậu quả rất lớn” - BS Trần Hữu Long giải thích.