Hiện nay, TP. Nha Trang bắt đầu chi tiền hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với đối tượng người có công với cách mạng. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ đồng loạt chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo đúng quy định.
Người có công được nhận trước
Chiều 4-5, TP. Nha Trang thực hiện thí điểm chi hỗ trợ cho người có công với cách mạng tại 2 phường Lộc Thọ và Phước Hòa; mỗi người được nhận 3 tháng hỗ trợ (tháng 4, 5, 6) với mức 500.000 đồng/người/tháng. Cả 2 phường đều bố trí bàn ghế để người đến nhận tiền hỗ trợ ngồi chờ theo đúng khoảng cách 1,5m và mọi người đều đeo khẩu trang khi tới nhận tiền. Do danh sách đã được kiểm duyệt kỹ từ trước nên việc cấp, phát tiền diễn ra rất nhanh chóng, mỗi người chỉ mất khoảng 2 phút là được nhận tiền hỗ trợ. Bà Trần Thị Thành, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (ở tổ 4, phường Lộc Thọ) cho biết, bà rất vui vì trong lúc khó khăn được nhận tiền hỗ trợ; không chỉ bà mà chồng bà cũng được nhận 1,5 triệu đồng/người. Đây là khoản tiền lớn, sẽ hỗ trợ gia đình rất nhiều trong lúc khó khăn. Còn ông Nguyễn Tân Thương, thương binh 3/4 (ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phước Hòa) xúc động: “Đại dịch Covid-19 khiến gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Các con bị mất việc làm ở nhà mấy tháng nay nên tất cả chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thương binh của tôi. Đã thế, vừa qua tôi bị bệnh phải nằm viện nhiều ngày. Trong lúc đang cần tiền thì được Nhà nước hỗ trợ, rất đúng lúc và kịp thời, thể hiện được đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn””.
Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, trước mắt, thành phố chi hỗ trợ thí điểm đối tượng người có công tại phường Lộc Thọ và Phước Hòa. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ triển khai đại trà ở các xã, phường còn lại từ ngày 5 đến hết ngày 7-5. Theo đó, toàn thành phố có 2.396 người có công được nhận hỗ trợ 3 tháng với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Đồng thời, từ ngày 8-5 trở đi, thành phố sẽ chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng: bảo trợ xã hội, người nghèo, người cận nghèo và người lao động.
Khó xác định nhóm đối tượng người lao động
Toàn tỉnh có hơn 34.500 người nghèo, hơn 77.669 người cận nghèo, hơn 38.813 đối tượng bảo trợ xã hội, 5.355 người có công với cách mạng được nhận tiền hỗ trợ. Đối với người nghèo, cận nghèo được nhận mức 250.000 đồng/người/tháng. Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội nhận mức 500.000 đồng/người/tháng. Tổng kinh phí chi hỗ trợ cho các đối tượng này là gần 149 tỷ đồng. |
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc hỗ trợ đối với người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn đang tiến hành điều tra, rà soát và cập nhật. Theo quy định, người lao động tự do phải có đơn gửi UBND cấp xã để lập danh sách, trên cơ sở đó họp bình xét và căn cứ phải có mức thu nhập dưới mức cận nghèo. UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận. Tuy nhiên, địa phương sợ làm chưa đúng với thực tế nên cũng kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều người băn khoăn việc xác định thế nào là người bán hàng rong? Người gánh thúng đi bán hay ngồi bán ở vỉa hè có thuộc đối tượng được hỗ trợ? Hoặc quy định hỗ trợ người chạy xe ôm 2 bánh, vậy người chạy xe 3 gác bị ảnh hưởng có được hỗ trợ hay không? Ngoài ra, những lao động tự do, người làm thuê cũng phát sinh các vấn đề như: ở nhà thuê một nơi nhưng sổ tạm trú, thường trú lại ở nơi khác hoặc ngược lại… khiến cho việc rà soát mất nhiều thời gian, công sức và chính quyền cơ sở cũng chưa thể giải đáp hết được thắc mắc của người dân.
Đối với những lao động là hướng dẫn viên du lịch tự do không có đơn vị, doanh nghiệp nào quản lý nên không có địa phương nào xác nhận. Nhiều lao động tự do đang sinh sống, làm việc lại không có đăng ký tạm trú, tạm vắng nên các địa phương lúng túng trong việc xác nhận. Đặc biệt, có nhiều hộ kinh doanh lâu nay chưa kê khai thuế, vậy ai là người xác nhận cho những hộ này? Không những vậy, theo quy định người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong các doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở để xem xét trình chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách và thực hiện hỗ trợ. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại địa phương này nhưng các chi nhánh, nhà máy, cửa hàng… lại nằm rải rác ở các địa phương khác, sử dụng hàng trăm lao động ở địa phương... Vậy, số lao động này địa phương nào hỗ trợ?.
Ông Võ Bình Tân cho biết, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình khảo sát, thống kê, xác nhận cho nhóm đối tượng người lao động. Chính điều này khiến việc rà soát bị chậm trễ, kéo dài. Do vậy, Trung ương, tỉnh cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa để tránh sai, bỏ sót đối tượng thụ hưởng.
VĂN GIANG