Bảo trì kết cấu đường bộ: Chưa hết cảnh "ăn đong"

Thứ hai - 21/09/2020 13:42
Kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chỉ được cấp chưa đến 50% so với mức quy định. Đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Bảo trì kết cấu đường bộ: Chưa hết cảnh "ăn đong"

Kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chỉ được cấp chưa đến 50% so với mức quy định. Đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh.


Cấp kinh phí chưa đến 50% định mức


Theo Quyết định 3409 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự toán kinh phí để thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh hơn 86 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, những năm qua, kinh phí được cấp cho công tác này chưa đến 50% định mức. Cụ thể, gần đây nhất, giai đoạn 2018 - 2020, kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường tỉnh bình quân 40 tỷ đồng/năm.

 

Kinh phí thấp,  công tác bảo trì đường bộ gặp khó.

Kinh phí thấp, công tác bảo trì đường bộ gặp khó.


Với mức kinh phí này, từ năm 2018 đến hết quý II/2020, Sở GTVT đã tổ chức cho nhà thầu láng nhựa bảo vệ gần 79.000m2 mặt đường, vá ổ gà mặt đường hơn 62.000m2; tôn cao mặt đường bằng kết cấu đá dăm láng nhựa hơn 7.000m2, thảm bê tông nhựa mặt đường cũ hơn 20.500m2, gần 4.500m2 mặt đường bê tông xi măng. Cùng với đó, sở yêu cầu nhà thầu thay thế, bổ sung gần 2.000 trụ, biển báo giao thông, gần 950m tường hộ lan, sơn kẻ vạch đường, cọc tiêu, trụ biển báo hơn 26.000m2; bổ sung, sửa chữa rãnh thoát nước gần 18.800m. Tổng kinh phí thực hiện các hạng mục hơn 100 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, với kinh phí cấp chỉ bằng phân nửa so với định mức, việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh rơi vào cảnh “ăn đong”, "giật gấu vá vai", chỉ ưu tiên những tuyến đường bị hư hỏng nặng để bảo đảm an toàn giao thông và êm thuận cho phương tiện lưu thông. “Để việc bảo trì, bảo dưỡng đường được hiệu quả, những năm qua, sở đã tổ chức đấu thầu với hình thức bảo trì theo khối lượng. Thực tế đã chứng minh, hình thức này mang lại hiệu quả cao. Việc tổ chức xác định khối lượng, nghiệm thu, thanh toán theo từng quý và theo khối lượng thực tế cũng đảm bảo phù hợp với cấp đường và tình trạng kỹ thuật của đường trên cơ sở hồ sơ dự toán được phê duyệt. Ngoài ra, việc thực hiện khối lượng công tác quản lý, các hạng mục bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung các hạng mục sửa chữa hư hỏng mặt đường, hệ thống an toàn giao thông và thoát nước kịp thời, liên tục, các tuyến đường luôn duy trì tình trạng khai thác tốt và an toàn”, ông Dần khẳng định.


Tiếp tục bảo trì theo khối lượng thực tế

 

Sở GTVT đang quản lý hệ thống đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 477,6km, phần lớn hệ thống đường tỉnh có quy mô cấp V đến cấp II, bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lên, vẫn còn gần 81,5km (thuộc 13 tuyến đường) có quy mô đường cấp VI, bề rộng mặt đường 3,5m; mặt đường bê tông nhựa hơn 2.002km (chiếm hơn 42% tổng chiều dài các tuyến), đường đá dăm láng nhựa gần 268km (chiếm hơn 58%), còn lại là mặt đường bê tông xi măng.

Vừa qua, Sở Tài chính có công văn tham gia ý kiến về việc bảo trì đường bộ. Theo đó, sở cho rằng, do tình hình thu ngân sách của tỉnh gặp khó khăn nên đề nghị Sở GTVT xem xét xây dựng dự toán sửa chữa giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 40 tỷ đồng/năm.


Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GTVT, với dự toán kinh phí hàng năm đã thấp hơn 50% so với định mức thì việc xây dựng dự toán như đề xuất của Sở Tài chính sẽ không bảo đảm để áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng đối với hệ thống đường tỉnh. Không chỉ vậy, để công tác bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dưới hình thức bảo trì theo chất lượng đòi hỏi công trình đường bộ được đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện theo tiêu chuẩn quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật. Do đó, Sở GTVT vẫn giữ quan điểm, công tác bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh nên áp dụng theo hình thức bảo trì theo khối lượng thực tế.


Mới đây, UBND tỉnh có văn bản gửi Sở GTVT và Sở Tài chính đồng ý phương án đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh với hình thức bảo trì theo khối lượng thực tế. UBND tỉnh cũng giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, cơ quan chức năng liên quan chuẩn bị hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện đúng quy định.


Mạnh Hùng
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp