Sáng 27/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 9 (Molave) đã mạnh cấp 14, gió giật cấp 17 khi còn cách đảo Song Tử Tây 230 km.
Khi bão cập bờ sáng 28/10, sức gió mạnh nhất đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Sau đó, bão giữ cường độ này, tiến vào đất liền các tỉnh, thành Đà Nẵng - Phú Yên.
Người dân được khuyến cáo gia cố nhà cửa hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn khi bão Molave vào đất liền với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo thang đo cấp độ sức gió Beauful, bão mạnh cấp 12, giật cấp 14 trên đất liền có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về nhà cửa, công trình. Cường độ gió này có sức phá hủy lớn. Sóng biển rất mạnh, có thể đánh chìm tàu có trọng tải lớn.
Trên đất liền, cường độ gió bão này có thể làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện. Với mức gió mạnh từ 134 km/h, tương đương cấp 10 trở lên, khi vào đất liền bão có thể giật sập nhà cấp 4, làm nhà có mái tôn bay nóc.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết để người dân hình dung rõ hơn mức độ ảnh hưởng của bão Molave, ông so sánh với bão số 12 Damrey từng vào Khánh Hòa năm 2017.
Thời điểm đó, bão đổ bộ Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15-16 và quần thảo nhiều giờ trên đất liền rồi mới suy yếu.
Bão Damrey có sức tàn phá nặng nề khi khiến 44 người chết, làm sập 1.300 ngôi nhà, 115.000 nhà tốc mái, 300 trường học sụp đổ. Hơn 1.300 tàu cá và 10 tàu vận tải bị chìm, hư hỏng sau bão Damrey.
"Với sức gió khi bão vào đất liền dự kiến mạnh cấp 11-12, ảnh hưởng của bão Molave lần này tương tự bão Damrey. Nói vậy để người dân hình dung được mức độ tàn phá của bão nặng nề đến mức nào nếu không kịp thời ứng phó", ông Khiêm nói.
Cơn bão số 12 vào đầu tháng 11/2017 càn quét qua Bình Định, gây sóng lớn nhấn chìm 8 tàu chở hàng và hai phương tiện khác trôi dạt vào bờ mắc cạn khiến 10 người chết, 3 người mất tích. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Molave gây ra gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng. Với cường độ mạnh nhất cấp 12-13, bão sẽ gây những đợt sóng cao tới 10 m trên Biển Đông.
Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm bởi đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn và dốc. Những yếu tố này làm giảm cường độ ma sát, sóng biển không có tác động làm giảm độ cao.
Khi áp sát đất liền sáng 28/10, bão gây ra tình trạng nước biển dâng cao 0,5-1 m tại vùng ven bờ các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Kịch bản cực đoan hơn, nước biển có thể dâng tới 1,5 m.
Với các kịch bản này, chuyên gia đánh giá khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có nguy cơ ngập úng cao.
Cuộc sống người dân Quảng Bình sau trận lũ lịch sửNước lũ rút dần, người dân Quảng Bình trở về sau nhiều ngày lánh nạn. Trong nhà họ giờ đây là đống đồ đạc hỏng hóc cùng mùi hôi thối của xác động vật. |