Theo bản tin lúc hơn 20h ngày 30/10 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, tâm bão số 5 - Matmo chỉ còn cách đất liền các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 60 km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất ở cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 15-20 km/h.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với vận tốc 15 km/h và đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ngãi đến phía bắc Khánh Hòa. Ngay sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Rạng sáng 31/10, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Tây Nguyên sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 5 khi đổ bộ vào đất liền. Đồ họa: Nhân Lê. |
Hiện, do ảnh hưởng của bão, ở khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển phía tây bắc quần đảo Trường Sa hiện có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 4-7 m.
Nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5-3 mét.
Đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7. Khu vực Bình Định, Phú Yên có nơi cấp 9, giật cấp 11. Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10; Ninh Thuận gió giật cấp 6-7; Gia Lai, Đắk Lắk gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở khu vực Nam Trung Bộ do mưa lớn trong các ngày 30-31/10. Ảnh: NCHMF. |
Theo cơ quan khí tượng, trong các ngày 30-31/10, từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên mưa rất lớn. Tổng lượng mưa tại các khu vực trong cả đợt có thể đạt mức 300-400 mm. Mưa lớn có thể tập trung nhiều nhất tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với tổng lượng 400-600 mm/đợt.
Mưa tiếp diễn tại các khu vực này sau đó mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ trong các ngày 31/10-2/11. Trong thời gian này, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế mưa lớn với tổng lượng 300-500 mm/đợt.
Trước tình hình bão diễn biến phức tạp, các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định đã gấp rút sơ tán hàng nghìn hộ dân trên các lồng bè nuôi thủy sản trên biển, vùng có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển và sạt lở núi đến nơi an toàn.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay địa phương đang huy động quân đội, dân quân tự vệ hỗ trợ hơn 3.500 hộ dân trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu về nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.
Trong khi đó, hơn 400 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở dọc hai bên bờ sông Ba, sông Kỳ Lộ (Phú Yên) cũng được sơ tán đến các các hộ dân, công trình kiên cố, vùng cao an toàn.
Bình Định cũng đang tập trung sơ tán hơn 6.000 hộ dân ở các vùng trũng ven sông, ven biển ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát... đến vùng cao trú tránh bão, lũ an toàn. Các trường học trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.
Dân Nha Trang ra biển xúc cát về chống bãoRút kinh nghiệm từ con bão cuối năm 2017 gây thiệt hại nặng nề, người dân Khánh Hòa chủ động chằng chống nhà cửa, di dời khỏi khu vực xung yếu trước khi bão vào. |
Sóng cao 5 mét ập vào ven biển trước bãoNhững cột sóng cao từ 5 đến 7 m liên tục tràn lên bờ kè chắn sóng, uy hiếp hàng trăm hộ dân ở làng chài Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). |