Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ATGT dịp lễ 30-4 và 1-5. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hiến - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết một số biện pháp trọng tâm bảo đảm ATGT trong dịp lễ này?
- Dịp lễ năm nay, thời gian nghỉ dài (5 ngày), vì vậy việc bảo đảm ATGT hết sức quan trọng. Ban đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm ATGT. Trong đó, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; chú trọng tuyên truyền vận động người dân không lái xe quá tốc độ, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không lái xe khi đã uống rượu bia, không sử dụng chất kích thích thần kinh, không chở quá số người quy định; khi tham gia giao thông đường thủy phải mặc áo phao; chú ý quan sát khi đi ngang đường sắt và từ đường phụ ra đường chính.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần phải xây dựng kế hoạch, phương án vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra ùn ứ, thiếu phương tiện phục vụ hành khách; xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm an toàn qua thiết bị giám sát hành trình. Các đơn vị quản lý đường bộ cũng phải duy trì bộ phận ứng trực để đảm bảo ATGT.
Ban cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện tại các bến, cương quyết không cho tham gia giao thông đối với các phương tiện vi phạm quy định về ATGT, lái xe không có giấy phép, không đủ điều kiện sức khỏe…
- Để triển khai hiệu quả các nội dung bảo đảm ATGT, ông lưu ý gì đối với các cơ quan, đơn vị?
Mục tiêu cuối cùng trong việc bảo đảm ATGT là giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các tuyến trọng điểm. Để làm được điều này, các lực lượng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cần phối hợp chặt chẽ; xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông cụ thể; xử lý thật nghiêm, không du di bất cứ trường hợp nào. Đồng thời, các địa phương và đơn vị liên quan cần phải bố trí đầy đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để giải quyết kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
Đối với các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ở các địa phương, nhất là Nha Trang, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sai mục đích. Đồng thời kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống biển báo thiết bị cảnh báo ATGT trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa; kiểm tra, lắp đặt bổ sung thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn mất ATGT.
Theo thống kê, các vụ tai nạn thường do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, vì vậy người tham gia giao thông cần hết sức chú ý đến việc tham gia giao thông, bảo vệ tính mạng của chính mình; đặc biệt đã uống bia rượu thì không nên lái xe ra đường, rất nguy hiểm.
- Xin cảm ơn ông.
THÀNH NAM (thực hiện)