Tin tức Khánh Hòa - Trang thông tin điện tử TP Nha Trang

https://tintuckhanhhoa.com


Sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai

Sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai
Bão, mưa lớn, sạt lở đất, hạn hán là 4 loại hình thiên tai mà Khánh Hòa thường xuyên gặp phải trong 5 năm qua. Năm 2020, tỉnh đặt ra yêu cầu về tính chủ động và kiên quyết khi kích hoạt các kịch bản ứng phó thiên tai. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Bão, mưa lớn, sạt lở đất, hạn hán là 4 loại hình thiên tai mà Khánh Hòa thường xuyên gặp phải trong 5 năm qua. Năm 2020, tỉnh đặt ra yêu cầu về tính chủ động và kiên quyết khi kích hoạt các kịch bản ứng phó thiên tai.


Kích hoạt phương án theo các tình huống


Phương án 1, giả thiết đặt ra là 1 cơn bão có sức gió cấp 10 trên Biển Đông, trong 24 giờ tới có thể đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa. Lúc này, toàn bộ hệ thống phòng, chống thiên tai của tỉnh sẽ kích hoạt các nhiệm vụ đã được xây dựng chi tiết trong phương án ứng phó với bão mạnh đổ bộ. Trong đó, phương án sơ tán dân được tính toán kỹ càng nhất. Theo đó, đối với tình huống nước biển dâng do bão gây ra, tổng số người cần sơ tán tại các địa phương trên địa bàn tỉnh khoảng 141.801 người, trong đó sơ tán tại chỗ 37.845 người, sơ tán đến các vị trí an toàn 103.956 người. Việc xây dựng phương án di dời, bố trí nơi ăn chốn ở, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, cung cấp nhu yếu phẩm… đã được tính toán và giao nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, việc đảm bảo an toàn cho hơn 4.200 phương tiện tàu thuyền trên biển, gần 2.600 bè nuôi trồng thủy sản của người dân cũng được đưa ra, trên tinh thần đưa tàu thuyền tránh trú, đưa toàn bộ lao động trên biển vào bờ an toàn.

 

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc đảm bảo an toàn tại Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa trước cơn bão số 6 năm 2019.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc đảm bảo an toàn tại Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa trước cơn bão số 6 năm 2019.


Song song với việc đảm bảo tính mạng cho người dân, việc xây dựng chi tiết các phương án bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn cấp điện… cũng đã được giao nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị.


Phương án 2, trong tình huống trên đất liền xảy ra mưa lớn, lượng mưa trong 24 giờ từ 200 đến 500mm, các sông trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện lũ lớn vượt mức báo động III từ 1,0m, đạt mức lũ lịch sử hoặc cao hơn mức lũ lịch sử ở nhiều hạ lưu sông trên địa bàn tỉnh làm ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Lúc này, toàn tỉnh sẽ tập trung sơ tán người tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng thấp; sơ tán người tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ, lũ quét tại các huyện, thị xã, thành phố (trong đó chú trọng sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất của 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và TP. Nha Trang). Trong đó, đối với tình huống gió mạnh, ngập lụt tại các khu vực xung yếu, nhà không kiên cố do bão mạnh, tổng số người cần sơ tán tại các địa phương khoảng 156.252 người. Đối với lũ quét, sạt lở đất, tổ chức sơ tán khoảng 5.667 hộ/23.350 người tại các khu vực nguy cơ cao.


Phương án 3, đối với tình huống bão mạnh từ cấp 10 trở lên đổ bộ vào đất liền, sau đó kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, 2 phương án ứng phó nêu trên sẽ được kích hoạt cùng lúc.


Đề cao vai trò của người dân


Nhiệm vụ và cũng là mục tiêu quan trọng nhất trong ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, đó là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Những năm qua, Khánh Hòa liên tiếp bị ảnh hưởng của  nhiều loại hình thiên tai khốc liệt. Trong đó, các loại hình gồm: Bão lớn, mưa lớn, sạt lở đất, hạn hán liên tục ghi nhận những kỷ lục mới về mức độ tàn phá. Thiệt hại về người và tài sản trong các lần xảy ra thiên tai những năm gần đây vô cùng lớn.


Bài học được đúc rút, đó là hệ thống ứng phó chưa thực sự nhuần nhuyễn, phối hợp chặt chẽ với nhau; ý thức, kiến thức ứng phó thiên tai của không ít người dân còn hạn chế. Đơn cử như việc chấp hành các yêu cầu, hiệu lệnh về di dời ra khỏi vùng xung yếu của một bộ phận người dân chưa tốt, khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, trước tình trạng biến đổi khí hậu, những bất thường và cực đoan của thời tiết ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống của người dân, việc xây dựng và ban hành phương án để phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với các loại hình thiên tai, mà trước hết là ứng phó bão, lũ, mưa lớn, sạt lở đất, động đất, sóng thần… để các cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện là việc làm hết sức cần thiết nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.


Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thì sự chủ động, sẵn sàng ứng phó của người dân có tính chất quyết định đến mức độ ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Ngoài ra, phương án năm nay cập nhật, bổ sung một số nội dung theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về thiên tai của Trung ương như: Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai… nhằm nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả của phương án.


Hồng Đăng

 


 

Những năm gần đây, Khánh Hòa liên tục chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai cực đoan. Bão mạnh, áp thấp nhiệt đới vào các năm 2017, 2018, 2019. Hạn hán, xâm nhập mặn nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016. Sạt lở đất cuối năm 2016, 2018. Mưa lũ, ngập lụt các năm: 2016, 2017, 2018, 2019. Thiên tai trong 4 năm 2015 - 2018 đã làm 80 người chết, hơn 95.000ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 950.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, nhiều công trình hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, tổng thiệt hại khoảng 18.000 tỷ đồng.

 

________________________________________________

 


. Theo lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, bên cạnh sự khốc liệt của các loại hình thiên tai, các nguyên nhân khách quan, Khánh Hòa cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan đó là do công tác ứng phó chưa thực sự dày dạn kinh nghiệm, việc chuẩn bị cho các kịch bản chưa tốt. Khi xảy ra thiên tai, một số bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn còn lúng túng, chủ quan. Vì vậy, việc xây dựng chi tiết các kịch bản ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, trang thiết bị nhằm chủ động ứng phó sẽ góp phần quyết định vào mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp