Tin tức Khánh Hòa - Trang thông tin điện tử TP Nha Trang

https://tintuckhanhhoa.com


Người của Nha Trang

Người của Nha Trang
Bạn ở xa đến, đồng nghiệp các tỉnh công tác Nha Trang… tôi chỉ có “món” chiêu đãi độc nhất sau bữa cơm tối là hai nơi cà phê: Hòn Kiến hay Lê Bảo.

Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ là những khám phá của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền về TP.HCM - quê hương thứ hai của bà. Đó cũng là tình cảm, sự lưu luyến của tác giả gửi gắm vào thành phố này cùng những vùng miền mà bà đã đi qua, với những điều lắng đọng, trìu mến.

Một đêm mưa khuya Sài Gòn, theo thói quen lang thang Facebook trước khi ngủ, tôi dừng lại ở một clip mà ai đó chia sẻ từ trang của ca sĩ Thái Hòa, bài hát “Áng mây chiều”.

Tiếng ghi ta ấm, chậm, rải đều; giọng hát ngân dài, trong vắt, vút cao, lúc thoảng lên nhanh lúc xuống chậm nhẹ, truyền cảm. Một giọng hát quá đẹp.

Trời hoàng hôn nắng vàng xao xuyến

Kìa làn mây gió quyến xa đưa.

Mây trôi lững lờ, hồn ai luống ngẩn ngơ.

Chiều lắng lắng xuống dần, lắng lắng gieo buồn, chiều mơ…

Giai điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng, bức tranh hoàng hôn bình an, man mác, khơi gợi cho bất cứ ai nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Tôi liền chia sẻ clip và ghi dòng trạng thái: “Nghe giọng hát này nhớ Nha Trang quá đi”.

Rồi, ký ức tấp nập ùa về, tôi không ngăn được dòng chảy ngược của thời gian.

Tôi nhớ từng góc phố khuya trở về nhà sau đêm cà phê với bạn, hay tàn bữa tiệc liên hoan cuối năm ở cơ quan cũ, hay đơn giản nhất chỉ là đi bộ cùng người bạn sau khi ngồi chán chê ngoài biển, tâm sự vơi đầy, bỏ lại phía sau những giai điệu, tiếng cười giòn, tiếng sóng biển lúc nhặt, lúc thưa, lúc ồn ào, khi im vắng tùy theo mùa… để lắng nghe tiếng đêm thì thầm trên những con đường quen.

Dừng trước nhà, tôi mở cửa. Phố vắng, bóng đèn đường nghiêng, vài chiếc xe qua nhanh rồi trả lại sự yên ắng cho con đường. Đêm, những con phố nhỏ khu vực nhà tôi nhuộm màu vàng của dãy đèn dài nhưng không thấy hiu hắt mà cảm giác bình an.

Nhớ những đêm mùa đông, chúng tôi hẹn nhau đến Lê Bảo nghe nhạc. Rồi mưa, tưởng là không kéo được bước chân của kẻ lười ra khỏi nhà vậy mà chúng tôi có mặt đông đủ. Bạn ở xa đến, đồng nghiệp các tỉnh công tác Nha Trang… tôi chỉ có “món” chiêu đãi độc nhất sau bữa cơm tối là hai nơi cà phê: Hòn Kiến hay Lê Bảo.

Tôi nhấn mạnh với bạn, đó là “đặc sản” của Nha Trang, không nơi nào có được. Với riêng tôi, đó còn là nơi đặc biệt của Nha Trang để nói về Nha Trang.

Về những quán cà phê chuyên dòng nhạc xưa ở Nha Trang, nhiều năm trước còn có Phú Sĩ với một sân khấu lớn hơn so với hai nơi trên.

Quán Phú Sĩ cũng rộng rãi, thoáng hơn. Tuy nhiên những năm sau này, Phú Sĩ không còn duy trì cà phê nhạc xưa (hát live) nữa mà chuyển sang hát với nhau. Người yêu nhạc xưa ở Nha Trang mất một nơi thú vị để thưởng ngoạn, thư giãn.

Có lần, ngồi nói chuyện với Lê Bảo về việc “kinh doanh”, cậu than: “Khách không đều, nhiều khi rất vắng, không đủ sở hụi, tụi con cũng nản lắm, muốn nghỉ, nhưng vì có người yêu cầu lại tiếp tục”.

Nói thêm, sở dĩ có lối xưng hô như vậy là vì tôi là bạn với họa sĩ Lê Vũ, ba của Lê Bảo. Tôi không biết nói gì, chỉ nghĩ, nếu không còn một nơi như vầy nữa ở Nha Trang, chắc chắn tôi (và nhiều người) sẽ rất buồn!

Sach Sai Gon,  ruoi rong noi nho anh 1

Bìa cuốn "Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ".

Từ lời tâm sự này, mới thấy, để duy trì hoạt động ca nhạc cho quán cà phê với dòng nhạc kén khách, chỉ phù hợp với người lớn tuổi hay những người trẻ trầm tính, không dễ chút nào.

Nếu ở Hòn Kiến có một ban nhạc có nhạc công riêng, với đầy đủ các nhạc cụ piano, guitar, violin và những giọng hát quen tên của Nha Trang (cho cả hai nơi): Thái Hòa, Kim Khánh, Trọng Khải, Trúc Ly, Thanh Vy, Ngọc Tú, Thế Quang… thì ở Lê Bảo, chủ nhân phòng trà này vừa là ca sĩ vừa là nhạc công.

Anh có thể chơi guitar hay piano tùy theo bài hát hay yêu cầu. Thỉnh thoảng, bạn bè chơi nhạc của Bảo ở đâu đó ghé qua, ngồi vào đàn như một chút gió mát thay đổi không khí, gây thú vị cho khán giả.

Đặc biệt, ở Lê Bảo dù lượng khách rất ít, có lúc chỉ vài người nhưng đã hát là hát cho hết, cho trọn, không vì lượng khách nhiều hay ít. Những đêm chủ đề thì đông hơn, có lúc kín ghế.

Đặc biệt nữa, thường bài hát kết thúc chương trình luôn là của đôi song ca Thái Hòa và Lê Bảo, một sự kết hợp tuyệt vời; với tôi, tên hai ca sĩ này như một “thương hiệu” khi nhắc đến Nha Trang. Và đó là lý do nghe clip của Thái Hòa với “Áng mây chiều” khiến tôi nhớ Nha Trang quay quắt!

Như đã nói ở trên, bạn bè xa đến, tôi luôn mời đến nghe nhạc ở Hòn Kiến hay Lê Bảo. Những người Nha Trang xưa thường tổ chức gặp mặt bạn cũ ở hai nơi này.

Họ thích nghe lại những bài hát về Nha Trang xưa, một thời để nhớ, thời ngồi trên ghế nhà trường, có dịp ôn lại những kỷ niệm cũ để cùng cười và có thể khóc vì quá hạnh phúc như cuộc gặp mặt của nhóm Nữ trung học Huyền Trân, Thánh Tâm…

Nếu bạn là người của Nha Trang, xưa và nay, hay nếu bạn đã một lần ghé đến Hòn Kiến hay Lê Bảo, tôi cam đoan đó sẽ là một trong những “món” để bạn nhớ về Nha Trang, nhất là khi vô tình bạn gặp đâu đó trên mạng những clip của các giọng hát chỉ có ở Nha Trang.

Và, thật là thiếu sót nếu một lần tạt qua Nha Trang mà bạn không ghé lại một trong hai nơi ấy. Hay, là điều day dứt cho người của Nha Trang xưa nếu trong một chuyến vội vã trở về, rồi vội vã ra đi mà bỏ lỡ một đêm chìm đắm trong âm nhạc, gợi nhớ có một thời ta đã yêu...

Sài Gòn, rong ruổi nỗi nhớ

Sài Gòn có những nơi chốn thanh bình mà chỉ khi đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi lên một tuyến xe nào đó là có thể gặp, có thể nghe, có thể tận hưởng hết được.

Nguồn tin: zingnews.vn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp