Với cáo buộc giả chữ ký các cổ đông sáng lập, chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng, bị cáo Vũ Văn Duẩn (sinh năm 1978, trú phường Phước Long, Nha Trang) đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng cấp phúc thẩm cho rằng chưa đủ căn cứ truy tố, xét xử bị cáo về tội danh trên.
Chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng?
Hồ sơ sơ thẩm thể hiện, năm 2014, Công ty Cổ phần Ðầu tư và phát triển Locus chuyên về bất động sản được thành lập với 4 cổ đông sáng lập, trong đó Vũ Văn Duẩn góp hơn 3 tỷ đồng, chiếm 10,26% vốn điều lệ. Ông Duẩn được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, là đại diện theo pháp luật của công ty.
Kết luận giám định thể hiện, số chênh lệch thu, chi từ ngày 1-1 đến 30-6-2015 là hơn 5,6 tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc về ông Duẩn. Tại buổi làm việc với cơ quan điều tra, ông Duẩn không giải trình được nguyên nhân chênh lệch.
Cơ quan chức năng xác định, lợi dụng lòng tin, ông Duẩn đã lập biên bản thỏa thuận về việc góp vốn và điều hành công ty, giả chữ ký của 3 thành viên sáng lập để xác nhận toàn bộ số vốn công ty là của mình, từ đó toàn quyền định đoạt tiền công ty. Tính đến ngày 30-6-2015, ông Duẩn còn tiền góp vốn hơn 3 tỷ đồng; theo điều lệ, ông Duẩn được hưởng lãi gần 230 triệu đồng. Trong quá trình quản lý kinh doanh mua bán nhà ở theo các hợp đồng đã ký giữa công ty với khách hàng từ ngày 1-1 đến 30-6-2015, ông Duẩn đã nhiều lần viết phiếu thu, nhận tiền trực tiếp của khách hàng hoặc nhận tiền mặt do kế toán và giám đốc sàn giao dịch bàn giao. Trừ tiền vốn góp và tiền lãi, ông Duẩn đã chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng của các thành viên công ty.
Tháng 3-2019, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Duẩn 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Duẩn kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân góp vốn hơn 3 tỷ đồng nên không thể chiếm đoạt tiền của chính mình. Tòa cấp sơ thẩm đã quyết định trưng cầu giám định tài sản nhưng khi chưa có kết luận giám định lại ra bản án kết tội bị cáo. Cơ quan điều tra buộc tội bị cáo chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng mà không xem xét các chứng cứ bị cáo cung cấp liên quan chi phí thuê ô tô, hơn 5,3 tỷ đồng bị cáo góp vốn hộ cho 3 cổ đông sáng lập (hiện đang khởi kiện vụ án đòi tài sản tại Tòa án nhân dân tỉnh). Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Ðà Nẵng cũng kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Cần xác định lại nhiều nội dung
Vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Ðà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì cho rằng chưa đủ căn cứ truy tố, xét xử bị cáo về tội danh trên. Việc cho rằng bị cáo Duẩn tự ký biên bản thỏa thuận về việc góp vốn và điều hành công ty ngày 6-4-2014 để chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng là không đúng. Bởi lẽ, việc giả mạo biên bản có trước ngày xảy ra việc thất thoát theo kết luận tài chính. Và việc giả mạo văn bản này, nếu có, cũng không có giá trị pháp lý về quyền điều hành công ty khi ông Duẩn là tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của công ty; không phù hợp với các quy định cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo báo cáo tài chính năm 2015 của công ty đã được kiểm toán, tổng tài sản công ty có từ ngày 1-1-2015 là 16,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 751,8 triệu đồng. Đến ngày 31-12-2015, tổng tài sản công ty là 31,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 516,5 triệu đồng. Như vậy, công ty vẫn kinh doanh có lãi, tài sản không bị thất thoát, phần vốn góp của các thành viên vẫn được bảo toàn. Điều này cũng được khẳng định trong công văn giải thích kết luận giám định của giám định viên, không có cơ sở kết luận số tiền thất thoát trong quá trình hoạt động của Công ty Locus từ ngày 24-3-2014 đến 31-12-2015.
Các tài liệu và lời khai cho thấy, từ ngày 24-3-2014 đến 31-12-2015, không có khách hàng nào tố cáo ông Duẩn chiếm đoạt tiền; công ty cũng không phải trả tiền thay ông Duẩn. Các thành viên công ty, ngoài phần vốn góp vẫn được bảo toàn, cũng không phải nộp thêm khoản tiền nào để bị cáo chiếm đoạt.
Kết luận ông Duẩn chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng của các thành viên cũng không đúng. Ông Duẩn khai viết giấy đề nghị mua lại cổ phần với mức giá chuyển nhượng bằng số vốn góp ban đầu vào ngày 28-11-2017 trong khi công ty đang kinh doanh có lãi là do bị ép buộc trong thời gian đang bị tạm giam. Lời khai này có căn cứ, phù hợp với báo cáo tài chính của công ty năm 2015 đã được kiểm toán nêu trên. Kết luận tổng tiền lãi sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty là 1,2 tỷ đồng cũng không phù hợp với báo cáo tài chính năm 2015 nêu trên. Tòa cấp sơ thẩm trưng cầu giám định tài sản của công ty nhưng chưa có kết luận giám định mà buộc bị cáo Duẩn chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng của các thành viên công ty là không chính xác. Bị cáo Duẩn còn xuất trình các tài liệu chứng minh cho các cổ đông vay tiền góp vốn vào Công ty Locus giai đoạn 2014 - 2015.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chưa xác định hơn 5,6 tỷ đồng do chênh lệch thu chi là khoản nào, nếu là tài sản của công ty phát sinh thêm trong quá trình kinh doanh thì phải có phần của bị cáo Duẩn ngoài phần vốn góp và lãi được chia của bị cáo. Để có căn cứ xác định Vũ Văn Duẩn gây thiệt hại cho Công ty Locus cần xác định lại toàn bộ giá trị tài sản công ty (trong đó có tài sản của ông Duẩn) đến hết năm 2017.
NGUYỄN BÌNH LÂN