Phiên tòa xét xử bị cáo N.X.T (sinh năm 1992, trú Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) có nhiều bạn bè tới. Họ và T. đều là những người tham gia vào vụ án đánh người, gây thương tích 9% cho bị hại. Nhưng phải đứng trước bục khai báo với tư cách bị cáo chỉ có mình T. Nhóm đánh bị hại đã may mắn thoát tội theo quy định pháp luật, bởi người bị hại rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn điều tra. Riêng T., không phải ra tòa trong vụ án cố ý gây thương tích, nhưng lại bị xét xử về tội cướp tài sản, chỉ bởi trót “nhón tay” lấy chiếc đồng hồ của bị hại sau khi cả nhóm tấn công người này.
Đêm đó, H.V.V cùng nhóm bạn đến ăn uống tại một nhà hàng. Khoảng 1 giờ sáng, thấy một nhóm khách nước ngoài ngồi bàn bên nói chuyện ồn ào, V. và một người bạn đến yêu cầu nhóm khách nói chuyện nhỏ lại, nếu không đi chỗ khác. Nhưng nhóm này không chịu, từ đó hai bên xảy ra kình cãi. V. gọi điện thoại cho bạn nhờ đến đánh nhóm khách nước ngoài. Người này đã rủ T. và 3 người khác mang theo tuýp sắt tới, vừa lúc nhóm khách nước ngoài ra về. Không chịu bỏ qua, nhóm V. vẫn đuổi theo, chặn đầu xe. Một người khách sợ hãi nhảy xuống xe bỏ chạy. Nhóm V. liền đuổi theo, đánh, đá nhiều cái vào người bị hại, gây thương tích 9%. Sự việc lẽ ra chỉ dừng ở đây nếu T. không nhặt bỏ túi chiếc đồng hồ mà bị hại làm văng ra đất khi bị đánh ngã. Người bị hại tuy nhìn thấy hành động của T. nhưng sợ bị đánh nên không dám phản ứng. Sau đó, người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố và cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 5 đối tượng về tội cố ý gây thương tích, trong đó có T. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người bị hại rút yêu cầu khởi tố nên vụ án được đình chỉ.
Trong lúc ngồi chờ dẫn giải về nơi giam, T. thẫn thờ cho biết, trước khi có vụ án, T. là phiên dịch tự do, thu nhập có lúc được vài chục triệu đồng/tháng. T cũng là người đã can ngăn bạn bè dừng đánh. Giả sử vụ án cố ý gây thương tích vẫn được xét xử, chắc chắn mức độ nguy hiểm của hành vi của T. sẽ được đánh giá thấp hơn nhóm bạn. Tuy nhiên, khi bị hại rút yêu cầu khởi tố, tình hình lại đảo ngược. 4 người bạn từng nhiệt tình đánh, đá bị hại lại nghiễm nhiên thành nhân chứng trong vụ án cướp tài sản chỉ bởi T. nhất thời lấy đồng hồ.
Cho đến lúc bị đưa ra xét xử, bị cáo T. cũng không thể lý giải rõ ràng điều gì xui khiến T. cúi xuống nhặt chiếc đồng hồ bị văng ra đất trong quá trình đánh bị hại. Rất có thể, T. bị hấp dẫn bởi đó là chiếc đồng hồ hiệu Rolex trị giá hàng trăm triệu đồng! Nhưng không hiểu, nếu ngay lúc đó, T. nhận ra chiếc đồng hồ hàng hiệu đó chỉ là đồ dỏm trị giá hơn 2 triệu đồng, liệu T. có cúi xuống nhặt, để rồi phải lãnh án 3 năm tù? Tội của T., xét cho cùng, cũng chỉ vì chưa buông được chữ “tham”!
TAM THUẬT