Hai bị cáo cùng trú TP. Nha Trang, cùng phạm tội hủy hoại tài sản, nhưng ra tòa, thái độ khác hẳn nhau. Bị cáo V.Đ.V (sinh năm 1999) tuy còn băn khoăn tại sao bị xem là đồng phạm tội hủy hoại tài sản nhưng vẫn chủ động nhiều lần tới xin lỗi bị hại và năn nỉ xin bồi thường. Còn bị cáo N.T.H (sinh năm 1996), người trực tiếp phạm tội và bị viện kiểm sát kháng nghị tăng hình phạt, chỉ thanh minh “do suy nghĩ lệch lạc nên phạm sai lầm!”.
H. giải thích, nguyên nhân đổ xăng đốt ki ốt của vợ chồng bị hại vì bực bà chủ ki ốt không nói trực tiếp với H. về vợ H. mà lại la mắng vợ H. Còn tại sao vợ H. bị la mắng, la mắng thế nào thì H. không nêu rõ. Bản thân bị cáo chỉ nghe tiếng được tiếng mất những câu la mắng của bà chủ ki ốt bởi vợ bị cáo nghe điện thoại ở ngoài sân. Vậy mà, H. vẫn gọi điện thoại nhờ V. đi cùng. Sau khi mua xăng, trên đường đi, H. kể cho V. nghe ý định dùng xăng đốt ki ốt của bị hại cho bõ tức, rồi nhờ V. trông xe, mang xăng vào đổ và bật lửa đốt. H. cũng thanh minh bản thân vừa nhậu về, nhưng điều này không được tòa chấp nhận.
Nghe H. khai, vợ chồng chủ quán phản ứng. Người vợ cho biết, sự thật không phải vậy. Trước khi vụ án xảy ra, vợ H. là nhân viên của vợ chồng bà. Ông bà coi vợ H. như người nhà nên khi cô cưới còn cho 1 chỉ vàng; khi cô sinh con, ông bà cũng vào bệnh viện thăm ngay và cho vài triệu đồng. Giai đoạn vợ H. nghỉ sinh, có lúc bà nhờ H. làm giúp một vài công chuyện, nhưng đều trả công sòng phẳng. Tuy nhiên, quá trình làm việc, vợ H. có lúc lơ là, không toàn tâm với công việc nên bà có la rầy, mục đích chỉ muốn vợ H. làm tốt hơn. Bà thừa nhận đã nói, nếu vợ H. vẫn không chú tâm làm việc thì sẽ cho nghỉ làm. Nhưng thực tâm chưa hề có ý định cho vợ H. nghỉ và thực tế bà chỉ cho 1 nhân viên khác nghỉ. Ngay khi vừa cho nhân viên nghỉ, bà có điện thoại thông báo chuyện này, còn dặn vợ H. giờ nhân viên ít hơn nên phải ráng làm cho tốt hơn. Ông bà rất thất vọng khi H. đối xử với mình như vậy.
Người chồng xác nhận, ông bà kháng cáo xin giảm án và xin cho hưởng án treo đối với bị cáo V. Tuy V. có đi theo, đến nửa đường được H. cho biết dự tính và đứng trông xe cho H. vào đốt ki ốt, nhưng gia đình V. đã đến xin lỗi, còn đưa tiền xin khắc phục. Ông bà không nhận vì biết nhà V. khó khăn, vợ V. vừa sinh con, nhưng vẫn ghi nhận sự ăn năn của bị cáo và mong tòa cho V. cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Còn H. chưa thực sự biết ăn năn, phục thiện. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo H. tự nguyện đồng ý bồi thường hơn 38 triệu đồng, là giá trị thiệt hại được định giá, cho ông bà. Nhưng đến phiên phúc thẩm H. cũng chưa bồi thường đồng nào. Thời gian qua, H. chỉ đến gặp ông bà 1 lần than khổ, không có tiền bồi thường, rồi mất hút! Trong khi đó, ki ốt bị cháy, nhiều hàng hóa cùng các hóa đơn, chứng từ bị cháy nên không thể định giá; thiệt hại thực tế phải tới hàng trăm triệu đồng. “Bị cáo H. đã triệt con đường sống của vợ chồng tôi nhưng vẫn chưa ăn năn hối cải. Chúng tôi chỉ mong bị cáo H. hồi tâm, nhận ra sai lầm của mình”, người chồng nói.
Tòa đã chấp nhận kháng cáo, cho bị cáo V. được hưởng án treo, đồng thời chấp nhận kháng nghị, tăng hình phạt đối với bị cáo H. Không hiểu, hình phạt mới đã đủ cho bị cáo H. nhận thức được cái giá phải trả khi ứng xử tồi?
TAM THUẬT