Một số quy định ở nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự - BLHS) vẫn còn bất cập, dẫn tới khó khăn khi áp dụng pháp luật. Đây là ý kiến của nhiều thẩm phán tại tọa đàm về thực tiễn xét xử do Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vừa qua tại Khánh Hòa.
Tội cố ý gây thương tích: Quy định còn vướng
Điều 134 BLHS quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Khoản 1 điều chỉnh trường hợp đã có thương tích thực tế với tỷ lệ quy định cụ thể và chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện bị hại. Khi bị hại rút yêu cầu khởi tố, phải đình chỉ vụ án. Nhưng ở khoản 6, hành vi chuẩn bị các điều kiện (chưa gây thương tích hay xâm hại sức khỏe người khác) đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự không cần bị hại yêu cầu. Trong khi đó, thực tế, hành vi đã gây ra thương tích nguy hiểm hơn chưa gây ra thương tích. Thẩm phán Trần Hữu Viên - Phó Chánh án TAND tỉnh phân tích, theo nội dung điều luật và Công văn số 89 ngày 30-6-2020 của TAND tối cao, chỉ cần chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác là đã đủ dấu hiệu hành vi khách quan để xử lý hình sự theo khoản 6. Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn trường hợp loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng (TAND TP. Cam Ranh) nói: Đến nay, chưa có văn bản quy phạm nào định nghĩa tình tiết “có tính chất côn đồ”, trong khi đây là tình tiết định khung hình phạt, dẫn đến kết quả một người có tội hay không, tội nặng hay nhẹ, được hưởng án treo hay không.
Ở Điều 135, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nhiều trường hợp do bị tấn công trước, bị dồn nén, áp chế về tinh thần nên người phạm tội tấn công lại bị hại. Tuy nhiên, nếu thương tích gây ra dưới 31% thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trên 31% mới phải chịu trách nhiệm hình sự tương tự phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nhưng từ khi BLHS có hiệu lực đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Tội giết người: Còn tranh luận
Quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, một số trường hợp TAND 2 cấp tỉnh khó phân biệt tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, bởi rất khó xác định “vùng nguy hiểm”, “vùng trọng yếu của cơ thể” khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo thẩm phán Trần Hữu Viên, tổng kết thực tiễn xét xử, có thể hiểu vùng trọng yếu của cơ thể là những vùng quan trọng, chủ yếu của cơ thể mà nếu bị tổn thương có thể quyết định việc tồn tại hoặc tử vong của con người, như: đầu, cổ, gáy, ngực, lưng, bụng... Nhưng có vụ án, vị trí tấn công tuy nằm ngoài các vị trí trên lại tác động vào động mạch chủ, làm mất máu, dẫn đến chết người. Vì vậy, việc xét xử tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người hay tội giết người vẫn còn tranh luận.
Việc áp dụng án lệ cũng gặp khó. Theo thẩm phán Trần Hữu Viên, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có Án lệ số 17 (công bố ngày 6-11-2018) về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội giết người có đồng phạm; Án lệ số 45 (công bố ngày 31-12-2021) về xác định tội danh khi đối tượng dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể... Quá trình xử lý vụ án, một số trường hợp đã vận dụng nguyên tắc sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu là hành vi giết người, không cần quan tâm đến mức độ, thương tích, tổn hại sức khỏe bị hại, dẫn đến số lượng án giết người ở Khánh Hòa gia tăng. Thẩm phán Nguyễn Tuấn Long - Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh thông tin, theo thống kê của TAND tỉnh, năm 2017 có 27 vụ, năm 2018 có 23 vụ; nhưng từ sau khi có Án lệ số 17, số lượng án giết người năm 2019 tăng lên 49 vụ, năm 2020: 93 vụ; năm 2021: 73 vụ; 6 tháng đầu năm nay đã có 68 vụ, gấp khoảng 3 lần so với năm 2017, 2018. Đến nay, chưa có văn bản chính thức nào xác định “vùng trọng yếu trên cơ thể” và tấn công vào đâu thì bị xem là tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể. Đây là câu hỏi luôn đặt ra ở những vụ án gây thương tích nhưng hậu quả chết người không xảy ra. Trong khi đó, việc xác định vùng trọng yếu trên cơ thể rất quan trọng, thậm chí quyết định việc xác định tội danh.
PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, thực tiễn xét xử đã cho thấy một số quy định ở nhóm tội phạm trên còn bất cập, cần được các đơn vị, chuyên gia pháp lý kiến nghị để có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất.
NGUYỄN VŨ