Hỏi: Cơ quan hành chính nhà nước bị kiện nhưng người đứng đầu cơ quan không ra tòa mà lại ủy quyền cho người khác. Điều này có đúng theo quy định của pháp luật?
Hoàng Minh Công (thị xã Ninh Hòa)
Trả lời: Theo Luật Tố tụng hành chính, các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, trong đó họ có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của tòa án và chấp hành quyết định của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Để tham gia tố tụng, nhiều trường hợp phải cần người đại diện, gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.
Tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.
Như vậy, cấp phó của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nhận ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hành chính là việc được pháp luật cho phép.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng