Không chịu nhận lỗi

Thứ ba - 23/04/2019 12:28
Phiên phúc thẩm kết thúc với phán quyết chấp nhận kháng cáo của người bị hại, tăng nặng hình phạt với 2 bị cáo và tăng mức bồi thường với 3 bị cáo. Tuy nhiên, nhìn vào thái độ hằm hè của cha con bị cáo với người bị hại, có thể dự đoán, mâu thuẫn giữa hai nhà khó mà dừng lại. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Phiên phúc thẩm kết thúc với phán quyết chấp nhận kháng cáo của người bị hại, tăng nặng hình phạt với 2 bị cáo và tăng mức bồi thường với 3 bị cáo. Tuy nhiên, nhìn vào thái độ hằm hè của cha con bị cáo với người bị hại, có thể dự đoán, mâu thuẫn giữa hai nhà khó mà dừng lại.


Mâu thuẫn đó, xuất phát từ chuyện con bò nhà bị hại sang phá cây trồng trên rẫy nhà bị cáo N.X.P (sinh năm 1966) và bị cáo N.X.C.A (sinh năm 1998, con của P.). Thiệt hại mà con bò nhà bị hại gây ra có lẽ không lớn, bởi cha con bị cáo P. không kê khai ra được để đòi bồi thường. Dù vậy, sự bực bội trước việc bị hại quản lý đàn bò lỏng lẻo đã tích tụ dần, trở thành mâu thuẫn. Bị cáo A. khai, chiều tối đó, nghe cha bị cáo kể bị hại thả bò vào rẫy nhà mình và thách thức đánh nhau, chưa rõ thực hư, A. lập tức tuyên bố hôm sau sẽ đi đánh bị hại và chuẩn bị hung khí. Mẹ A. ra sức can ngăn, nhưng P. lại hùa vào, tích cực cầm hung khí cùng con sang rẫy nhà bị hại. Hai cha con còn rủ thêm 2 thanh niên đi phụ đánh. Đến nơi, cả nhóm lập tức xông vào tấn công. 2 lần bị hại bỏ chạy, cả 2 lần đều bị nhóm P. đuổi theo, nhằm chân mà đánh. Chạy không kịp, bị hại vấp ngã, bị đánh liên tiếp, vậy mà còn bị một thanh niên trong nhóm kề mã tấu vào cổ hỏi: “Sao mày đánh ông già bạn tao?”!


Tận khi ra tòa, người bị hại đi lại vẫn khó khăn, bởi bị thương tích ở vùng xương chày và xương bàn chân với tỷ lệ thương tật 26%. Nhận lỗi không trông nom đàn bò chu đáo, để bò sang phá rẫy nhà bị cáo nên ông này vốn chẳng định làm căng, chỉ muốn bên bị cáo sớm bồi thường hết 81 triệu đồng như án sơ thẩm đã tuyên, để có tiền chữa chạy chân, đi rẫy trở lại. Nhưng phía bị cáo khó dễ, không chịu đưa tiếp ngoài 15 triệu đồng đã đền.


Tại phiên tòa, khi chủ tọa hỏi có đồng ý bồi thường thêm để bị hại điều trị chân và rút kháng cáo tăng nặng, nhìn sang bị hại đứng chân co chân duỗi, bị cáo P. vẫn cương quyết: Có hai chục (20 triệu đồng), nhận thì nhận! Nghe bị hại bức xúc nói “nhà bị cáo mới bán rẫy được 250 triệu đồng mà vẫn không chịu bồi thường”, bị cáo P. thản nhiên: Tiền bán rẫy để làm ăn, đâu phải để bồi thường!


Khi tòa tuyên tăng nặng hình phạt cả hai cha con bị cáo P., đồng thời tăng mức bồi thường với 3 bị cáo, cha con bị cáo P. vẫn tỉnh rụi, duy ánh mắt ném lại phía bị hại sắc lẹm. Chuyện con bò sang phá rẫy, nếu nghe lời vợ P., ứng xử ôn hòa hơn, có lẽ giờ đây, cha con P. đã không phải cùng ngồi tù 3 năm, tình nghĩa xóm làng cũng không sứt mẻ. Chợt nhớ, trước giờ mở phiên tòa, bị cáo P. vẫn chẳng hề nhún: Mắc mớ gì bồi thường nữa, nó dắt bò sang phá rẫy thì nó phải xin lỗi! Xem ra,  cho dù tòa nhận định có một phần lỗi của người bị hại và bản thân bị hại cũng thừa nhận lỗi của mình, đồng thời nhấn mạnh tăng hình phạt vì các bị cáo chưa thật ăn năn hối cải, nhưng trong thâm tâm, cha con bị cáo P. vẫn chỉ nghĩ đến lỗi của bị hại mà chừa ra lỗi của mình. Đó là lý do họ phải chịu án nặng hơn.


TAM THUẬT

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp