2 bị cáo T.Q.H (18 tuổi) và H.H.P (20 tuổi, cùng trú Nha Trang) đều có vẻ mặt non nớt của người vừa qua tuổi trưởng thành, nhưng thực tế lại sớm trải mình vào lối sống "yêng hùng", bất cần tương lai. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
2 bị cáo T.Q.H (18 tuổi) và H.H.P (20 tuổi, cùng trú Nha Trang) đều có vẻ mặt non nớt của người vừa qua tuổi trưởng thành, nhưng thực tế lại sớm trải mình vào lối sống “yêng hùng”, bất cần tương lai.
Trước tòa, cả hai khai nhận không chút dè dặt: Tối đó, họ đang ngồi chơi điện tử thì N.M.T (17 tuổi) đến rủ đi cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. H. và P. lập tức gật đầu, lên xe, chạy lòng vòng đến 1 giờ sáng thì gặp 2 phụ nữ chở nhau đi ngược chiều. Cả nhóm phóng tới chặn đầu xe, giơ dao đe dọa. Thấy chị này cầm lái bỏ chạy sang bên đường, kêu cứu bảo vệ một công ty, T. cầm dao đuổi theo, đe dọa nếu bỏ chạy coi chừng chị bạn còn lại, rồi kề dao vào cổ chị này, bắt đưa điện thoại. T. cũng buộc chị còn lại mở cốp xe, đưa giỏ xách, lấy thêm 1 điện thoại và 1,9 triệu đồng. Nếu bảo vệ công ty bên đường không truy hô, sự thể chưa biết có dừng lại.
Cướp xong, 3 đối tượng hồ hởi đi nhậu mừng “chiến tích”. Trong tổng tài sản chiếm đoạt trị giá khoảng 11 triệu đồng, ngoài bữa nhậu chung, H. chỉ được chia 500.000 đồng; P. được 300.000 đồng, sau đó được tiêu xài chung với T. thêm 2,8 triệu đồng từ tiền cầm thế điện thoại. Kháng cáo xin giảm án, H. và P. đều tỏ ra là “con ngoan, có hiếu” khi viện dẫn hoàn cảnh gia đình khó khăn, mong mỏi được sớm trở về phụ giúp gia đình. Cha P. bị bệnh, 2 em nhỏ, còn H. là con trai đầu, còn trọng trách phụ giúp kinh tế gia đình...
Những điều đó không sai, nhưng thực tế chỉ để ngụy biện cho hành vi phạm pháp của các bị cáo. Trước đó, P. từng tham gia 2 vụ cướp khác. Nghe tòa nêu nhân thân, bị cáo đổ tại bạn bè rủ rê! Tỏ vẻ lo lắng cho gia đình nhưng P. bỏ học từ năm lớp 7, cũng chẳng chịu đi học nghề để kiếm một việc làm chân chính. Tài sản được chia trong các vụ cướp, P. cũng chỉ tiêu xài cho bản thân chứ nào quan tâm đến ai trong gia đình. Còn H. thản nhiên: T. rủ đi cướp thì đi! Bị cáo cũng chẳng ngần ngại cho biết, nếu được T. rủ đi cướp ở những vụ án trước thì bị cáo cũng đi ngay, bởi “bạn bè quen lâu rồi”! H. còn thêm, sau khi bị tạm giam, bị cáo chẳng suy nghĩ gì!
Lần lại hồ sơ thì thấy, các bị cáo đều ít được gia đình quan tâm. Cha mẹ T. ly hôn, T. ở với cha, nhưng thực tế, T. ở với bà nội từ khi 2 tuổi. 3 năm trước, cha T. chết, mẹ T. lấy chồng khác, không biết ở đâu. Bà nội tuổi cao sức yếu, không thể quản lý T. nghiêm ngặt. Còn H., khi đã hầu tòa, mẹ H. vẫn thanh minh, bà mải lo làm ăn nuôi H. và đứa em 15 tuổi nên không có thời gian quản H. chặt. H. theo bạn bè bỏ học năm lớp 8. “Sau khi bỏ học, cháu cũng không chơi bời gì; cả ngày ở nhà ngủ, đêm mới đi chơi net, nhưng khoảng nửa đêm thì về, chưa khi nào đi qua đêm. Đêm duy nhất cháu không về nhà chính là đêm xảy ra vụ án. Sáng hôm sau, công an tới nhà tôi mới biết chuyện”, mẹ bị cáo H. trần tình.
Với 2 bản án, P. phải chịu tổng cộng 10 năm 6 tháng tù, T. chịu 8 năm tù, H. 3 năm tù. Không còn hồ nghi các bị cáo thiếu sự quan tâm của gia đình; nhưng không phải ai cũng đi tới kết cục như các bị cáo. Ba bị cáo đều có tuổi đời rất trẻ. Chưa bàn đến chuyện lớn lao như cống hiến cho xã hội, chỉ cần các bị cáo làm việc lương thiện để nuôi được bản thân cũng đã đáng quý. Rất tiếc, hành trang cuộc đời của các bị cáo chỉ có phạm pháp. Không hiểu, sau khi chấp hành án xong, các bị cáo có nỗ lực sống ý nghĩa, hay vẫn thấy cuộc sống tù tội nhẹ tênh?
TAM THUẬT
Tags: Viet Nam,
giao duc,
Báo Khánh Hòa điện tử,
bao Khanh Hoa,
bao Khanh Hoa dien tu,
the gioi,
xa hoi,
van hoa,
kinh te,
khoa hoc,
cong nghe,
vien thong,
the thao,
bong da,
giai tri,
phap luat,
suc khoe,
xe may,
nha dat,
o to,
tong hop tin tuc,
bao moi,
dien dan,
ban doc,
truc tuyen,
vckm,
cms,
vsolutions