Kinh doanh khách sạn ngày càng khó khăn

Thứ bảy - 18/05/2019 04:02
Số lượng phòng tăng quá nhanh cùng sự xuất hiện của loại hình condotel (căn hộ khách sạn) khiến việc kinh doanh khách sạn ở Nha Trang - Khánh Hòa đang ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, sự phát triển của ứng dụng Airbnb trong việc kinh doanh lưu trú khiến mô hình kinh doanh khách sạn kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Kinh doanh khách sạn ngày càng khó khăn

Số lượng phòng tăng quá nhanh cùng sự xuất hiện của loại hình condotel (căn hộ khách sạn) khiến việc kinh doanh khách sạn ở Nha Trang - Khánh Hòa đang ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, sự phát triển của ứng dụng Airbnb trong việc kinh doanh lưu trú khiến mô hình kinh doanh khách sạn kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.


Cạnh tranh khốc liệt


Theo thống kê của Sở Du lịch, 2 năm qua, mỗi năm Khánh Hòa tăng thêm khoảng 10.000 phòng lưu trú. Dự kiến đến cuối năm 2019, Khánh Hòa sẽ có khoảng 50.000 phòng lưu trú. Sự phát triển phòng lưu trú ồ ạt, cùng với sự xuất hiện của hàng ngàn condotel đã khiến cho việc kinh doanh dịch vụ lưu trú ngày càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt hơn.

 

Số lượng phòng khách sạn và condotel tăng nhanh khiến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Nha Trang ngày càng khó khăn.

Số lượng phòng khách sạn và condotel tăng nhanh khiến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Nha Trang ngày càng khó khăn.


Ông Lê Văn Sơn - Tổng quản lý khách sạn Liberty Central Nha Trang, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) cho biết, tốc độ tăng trưởng khách sạn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đã dẫn đến tình trạng thừa phòng lưu trú. Từ giữa năm 2018 trở lại đây, công suất phòng khách sạn đã sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các khách sạn hạng thấp. Báo cáo của Sở Du lịch cho thấy, trong quý I/2019, công suất phòng chỉ đạt 47,63%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (71,79%). Trong đó, công suất phòng của khách sạn 2 sao trở xuống chỉ đạt 30,6%.


Tại hội nghị tổng giám đốc các khách sạn và khu nghỉ dưỡng toàn quốc năm 2019 được tổ chức tại Nha Trang vừa qua, nhiều đại biểu đã chia sẻ sự khó khăn của việc kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Nha Trang, cũng như ở Việt Nam hiện nay. Bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam bày tỏ: “Chưa bao giờ ngành khách sạn Việt Nam đứng trước một thách thức lớn như thời điểm này. Chỉ riêng hệ thống khách sạn truyền thống cũng đã có sự cạnh tranh khốc liệt khi số lượng khách sạn trong cả nước ngày một tăng. Sự cạnh tranh với mô hình condotel và Airbnb đang gia tăng rầm rộ khiến sự phát triển của hệ thống khách sạn khó khăn hơn gấp bội”. Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam cho biết, Nha Trang - Khánh Hòa đang là một trong những khu vực có số lượng biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng cho thuê trên Airbnb nhiều nhất Việt Nam. Điều này sẽ khiến việc kinh doanh khách sạn theo kiểu truyền thống gặp nhiều khó khăn, bởi khách du lịch hiện nay có xu hướng tìm phòng thông qua các ứng dụng đặt phòng trực tuyến.


Việc cạnh tranh trong kinh doanh lưu trú đã dẫn đến tình trạng có những cơ sở lưu trú cắt giảm dịch vụ, hạ giá thành lưu trú. Trong cuộc đua tranh đó, các khách sạn chấp nhận chi tiền rất nhiều cho các trang đặt phòng trực tuyến như: Agoda, Booking, Travelloka… để lấy khách. Có khách sạn chi đến 30% tiền phòng cho các trang đặt phòng trực tuyến. Ông Lê Văn Sơn cho rằng, cạnh tranh trong kinh doanh là điều bình thường, nhưng việc các khách sạn nhập nhằng trong việc quảng cáo hạng sao, mạo nhận sao để bán phá giá làm rối loạn thị trường là điều cần phải chấn chỉnh.


Đau đầu tìm giải pháp


Để giải quyết bài toán về cạnh tranh thiếu lành mạnh trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, một số đại biểu đã đề xuất giải pháp xây dựng giá sàn cho dịch vụ lưu trú theo từng hạng phòng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng quản lý khách sạn Rosaka Nha Trang cho rằng, giải pháp xây dựng giá sàn là không khả thi, bởi mỗi khách sạn có một chiến lược kinh doanh khác nhau, bên cạnh đó dù chất lượng dịch vụ tương đương nhưng vị trí của các khách sạn sẽ quyết định không nhỏ đến giá phòng lưu trú. Trước 2 luồng ý kiến trên, bà Đỗ Thị Hồng Xoan chia sẻ: Việc xây dựng giá sàn cho dịch vụ lưu trú là điều rất khó nhưng nếu quyết tâm thì vẫn làm được. Trước đây, ở Hội An cũng từng xảy ra việc các khách sạn hạ giá phòng để tranh giành khách, nhưng sau đó các khách sạn đã ngồi lại với nhau xây dựng mức giá chung để kinh doanh. Bà Xoan đề nghị Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần vận động các khách sạn họp bàn để xây dựng giá sàn tương đối của phòng lưu trú, từ đó các khách sạn sẽ cùng nhau kinh doanh một cách bền vững.

 

Đến hết quý I/2019, toàn tỉnh có 770 cơ sở lưu trú với 41.344 phòng, trong đó có khoảng 20.000 phòng loại 3 - 5 sao, còn lại là các phòng hạng thấp và phòng chưa làm thủ tục xếp hạng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, việc cạnh tranh bằng cách giảm giá phòng là cách cạnh tranh “dễ dàng” nhất nhưng là giải pháp kém thông minh nhất vì dễ dẫn đến ngõ cụt. Ông Thọ khuyến cáo các khách sạn phải chăm chút hơn dịch vụ để cạnh tranh, thay vì giảm giá hãy có thêm dịch vụ gia tăng để hút khách (ví dụ tặng vé massage, chăm chút buffet sáng…).


Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc kinh doanh khách sạn gặp khó khăn một phần do các doanh nghiệp khách sạn nhỏ và vừa chưa chủ động áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu thực tế ngày một cao của khách hàng. Các đại biểu khuyến cáo, các khách sạn cần chú trọng ứng dụng công nghệ trong cách marketing để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các trang đặt phòng trực tuyến. Bên cạnh đó, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cần đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu các giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn loại hình condotel… để tránh làm xáo trộn thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú.


XUÂN THÀNH
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp