Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa phối hợp với Sở Du lịch tổ chức buổi đối thoại công tư về phát triển đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch Việt Nam. Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng HDV du lịch.
Chưa theo kịp sự phát triển của du lịch
Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đến thời điểm này, cả nước có khoảng 24.000 HDV du lịch, trong đó có khoảng 15.000 HDV du lịch quốc tế, 8.000 HDV du lịch nội địa. Ngoài ra, còn có hàng ngàn HDV (thuyết minh viên) tại các điểm du lịch. Đội ngũ HDV du lịch phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, theo bà Phạm Lê Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, chất lượng HDV chưa theo kịp sự phát triển du lịch. Nhiều HDV quốc tế không tâm huyết với nghề, chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội HDV Du lịch Việt Nam cũng chia sẻ, theo khảo sát của hội, chỉ có 30% HDV quốc tế sử dụng thành thạo ngoại ngữ để hành nghề, nhiều HDV có kỹ năng mềm chưa tốt. Tình trạng thiếu HDV ngoại ngữ hiếm chưa được giải quyết.
Những đánh giá về tình trạng chung của du lịch Việt Nam cũng là thực trạng hiện nay của du lịch Khánh Hòa. Ông Lê Quang Lịch - Chủ tịch Chi hội HDV Nha Trang - Khánh Hòa đánh giá, không ít HDV du lịch ở Khánh Hòa chưa đáp ứng được tiêu chí đề ra, chưa nhận thức đầy đủ du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ. HDV du lịch có chất lượng cao ngày càng thiếu hụt, các doanh nghiệp lữ hành thường xuyên phàn nàn bởi không ít HDV vừa hạn chế về kiến thức văn hóa - xã hội, vừa thiếu kỹ năng nghiệp vụ du lịch. Số lượng khách du lịch Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc đến Khánh Hòa ngày càng nhiều, thiếu HDV, khiến các đơn vị lữ hành phải “linh động” tuyển dụng những người từng đi xuất khẩu lao động nước ngoài về để sử dụng làm HDV nhưng lại lấy danh nghĩa là phiên dịch viên, chăm sóc khách hàng... “Những đối tượng này chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu về ngoại ngữ nhưng lại không có chuyên môn nghiệp vụ, yếu kém về kiến thức văn hóa - lịch sử, ảnh hưởng đến chất lượng tour du lịch. Thậm chí có người còn giới thiệu sai lệch về lịch sử văn hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, một số HDV nảy sinh tiêu cực trong phục vụ du khách, như gợi ý khách sử dụng dịch vụ mua sắm để kiếm thêm thu nhập”, ông Lịch bày tỏ.
Cần xếp loại hướng dẫn viên du lịch
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ đội ngũ HDV du lịch Việt Nam.
Ông Bùi Văn Dũng đề nghị cần phải xếp hạng HDV du lịch, đây là động lực để các HDV học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Bình Định cho rằng, để nâng cao chất lượng đội ngũ HDV du lịch cần nâng cao chất lượng đào tạo HDV. Để làm được điều này, ngành Du lịch cần đưa ra bộ giáo trình đào tạo HDV chuẩn quốc tế, đào tạo toàn diện nhưng phải thiết thực, sát với công việc thực tế, xây dựng quy chuẩn về bài thuyết minh ở một số tuyến điểm. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương cần chủ động phối hợp với các trường đào tạo du lịch để cử các chuyên gia du lịch đến các trường giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
Bà Xuân Lan cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động của HDV du lịch, xử lý nghiêm các HDV vi phạm đạo đức nghề nghiệp, công bố các HDV vi phạm trên phương tiện truyền thông để các công ty lữ hành và du khách biết. Cùng quan điểm, ông Lê Quang Lịch đề nghị các công ty dịch vụ lữ hành cần chú trọng hơn trong công tác tuyển dụng HDV du lịch. Ngoài việc kiểm tra về năng lực chuyên môn, các công ty cần đề cao và chú trọng ý thức đạo đức nghề nghiệp của các ứng viên dự tuyển, nhất là tinh thần phục vụ du khách theo đúng chương trình du lịch.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, muốn du lịch phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, ngành Du lịch phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ HDV có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề. Hơn ai hết, đội ngũ HDV du lịch cần ý thức được vai trò của mình trong ngành Du lịch, từ đó nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Mỗi HDV phải ý thức mình đang là đại sứ giới thiệu tinh hoa văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
THÀNH NGUYỄN
Trên địa bàn Khánh Hòa hiện có 128 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch, trong đó có 50 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 78 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Tính đến nay, Sở Du lịch đã cấp 1.206 thẻ HDV du lịch, trong đó có 404 HDV du lịch nội địa, 802 HDV quốc tế (456 tiếng Trung, 225 tiếng Anh, 85 tiếng Nga, 10 tiếng Pháp, 5 tiếng Đức, 4 tiếng Nhật, 1 tiếng Hàn và 16 song ngữ).