Khu vực mũi Dù - núi Cấm, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa có nhiều giá trị về địa chất, cảnh quan nhưng chưa được nghiên cứu kỹ để đưa vào bảo tồn, khai thác hợp lý.
Ý nghĩa địa chất, cảnh quan
Theo ông Mai Văn Thắng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa), khu vực mũi Dù - núi Cấm còn khá hoang sơ, cảnh quan tự nhiên, các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng nhô ra sát biển, xen kẽ với các mũi, bãi đá và 2 bãi cát kéo dài vài trăm mét. Về giá trị địa chất, trong các điểm lộ đá có các hóa thạch gỗ hóa đá và cúc thạch (ammonite), sinh vật chỉ thị của kỷ Jura cách đây khoảng 100 triệu năm. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về địa chất khu vực này. Do chưa được quản lý, các hóa thạch gỗ hóa đá (và cúc thạch kích thước lớn) đã bị khai thác bừa bãi từ nhiều năm trước. Mặt khác, hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về lịch sử địa chất khu vực này. Về giá trị cảnh quan, các mũi, bãi đá khá rộng với các hình dạng, cấu trúc kỳ lạ, đa dạng như các lớp đá dày mỏng, màu sắc, độ cứng, cấu tạo khác nhau... Đặc biệt, các lớp đá uốn lượn đứng, nghiêng hoặc nằm khác nhau, liên tục thay đổi, tạo sức hút lớn đối với người lần đầu nhìn thấy. Hai bên mũi, bãi đá khá rộng là hai bãi cát dài 300m và 500m. Phía sau là núi Cấm sừng sững, cao hơn trăm mét với thảm thực vật là cây trồng của người dân và cây bụi. Nơi đây có cả cây phong ba mọc tự nhiên được phát hiện trên bãi cát. Toàn bộ khu vực là một mũi đất liền nhô ra giữa vịnh Vân Phong, phân chia bắc và nam vịnh có tầm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp.
Ông Phạm Văn Thơm - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa cho biết, các nghiên cứu hóa thạch trong khu vực được phát hiện từ năm 1976 bởi Viện Hải dương học Nha Trang nhưng sau đó tạm dừng. Một thời gian sau, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung có nghiên cứu về vấn đề này. Hiện tại, khu vực mũi Dù được giao cho một doanh nghiệp khai thác du lịch, núi Cấm được Bộ Quốc phòng quản lý.
Cần có hướng khai thác, bảo tồn
Liên quan tới những giá trị cổ sinh vật tại khu vực mũi Dù - núi Cấm, mới đây, Viện Hải dương học Nha Trang đề xuất tỉnh xây dựng đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài có tầm vóc quốc gia nên Viện Hải dương học cần đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét.
Có thể nói, khu vực mũi Dù - núi Cấm đang sở hữu một tài sản vô giá. Trong đó, có 2 giá trị về hóa thạch và cảnh quan cần được nghiên cứu, bảo tồn. Nên chăng, tỉnh cần lấy ý kiến các nhà khoa học hay đề xuất với Trung ương nghiên cứu, có giải pháp hợp lý để bảo vệ, bảo tồn, khai thác hợp lý khu vực này nhằm phục vụ thế mạnh du lịch của tỉnh, cũng như ngăn chặn sự xâm hại từ bên ngoài đối với các giá trị cổ sinh vật hàng trăm triệu năm.
V.L