Dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều xu hướng du lịch mới, trong đó chuyển đổi công nghệ số được coi là lựa chọn phù hợp với xu thế quốc tế, vừa góp phần phục hồi du lịch, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Góp phần đảm bảo an toàn trong du lịch
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, du khách ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch bằng smartphone nhiều hơn, hạn chế giao tiếp và sử dụng tiền mặt… khi đi du lịch. Chính vì vậy, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã nhanh chóng thay đổi cách thức vận hành để thích ứng với xu hướng mới. Ông Martin Koerner - Giám đốc Thương mại tại Alma Resort (Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh) cho biết, để mang lại kỳ nghỉ đặc biệt mà vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn cho khách du lịch, Alma Resort đã cung cấp vòng đeo tay thông minh hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong khu nghỉ dưỡng. Chiếc vòng còn được sử dụng thay cho chìa khóa phòng thông thường và có tính năng ghi nhận mọi giao dịch thanh toán diễn ra trong resort. Do đó, khách hàng chỉ cần thanh toán một lần khi check-out thay vì phải trả tiền mặt cho mỗi lần sử dụng dịch vụ. Tương tự, hệ thống khách sạn Vinpearl cũng đã tăng cường chuyển đổi công nghệ số, khuyến khích thanh toán trực tuyến để đảm bảo an toàn cho du khách.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã trở thành một “cú hích” mạnh mẽ buộc các doanh nghiệp (DN) du lịch phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi công nghệ số trong hoạt động; từ công tác truyền thông, quảng bá đến việc mua bán dịch vụ du lịch. Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, một trong những giải pháp tối ưu của việc phục hồi du lịch hậu Covid-19 chính là tăng cường công nghệ số trong hoạt động du lịch. “Với việc thực hiện chuyển đổi công nghệ số, các DN du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh”, ông Lưu Hoàng Long - Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp - Viettel Khánh Hòa bày tỏ.
Tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch nhận định, chuyển đổi công nghệ số sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN du lịch sau dịch Covid-19. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc khảo sát, nắm bắt tâm lý và hành vi của khách du lịch, từ đó xây dựng hiệu quả các chính sách, chương trình kích cầu phù hợp. Tại buổi đối thoại Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Công nghệ PAYME đã giới thiệu mô hình App in App (liên kết - chia sẻ - khai thác thông tin). Theo đó, khi khách đặt chân đến Khánh Hòa, những thông tin về du lịch của tỉnh có thể được chuyển đến ngay cho du khách trên ứng dụng mà khách đang sử dụng (không cần cài app mới). Với việc ứng dụng công nghệ số, cơ quan quản lý ngành du lịch và DN có thể nắm bắt được nhu cầu của khách (đi đâu, chơi gì, ăn gì) và mức độ chi tiêu… để đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 được tổ chức từ ngày 12 đến 15-11 có chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” với sự tham gia của các DN phát triển công nghệ trong du lịch. Đây sẽ là cơ hội để các DN du lịch Khánh Hòa nói riêng, DN cả nước nói chung tìm hiểu các công nghệ mới phục vụ hoạt động du lịch, từ đó có thể hợp tác triển khai trong thực tế để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục du lịch sau dịch Covid-19.
Xuân Thành
Thực hiện “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch đến năm 2025”, Sở Du lịch sẽ chủ trì triển khai nhiều dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi. Cụ thể, xây dựng và triển khai ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin điểm đến, tích hợp trên đầu số *2258 để hỗ trợ giải quyết các yêu cầu từ du khách; xây dựng phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo trên điện thoại di động; phát triển các ứng dụng hỗ trợ thanh toán trên các thiết bị di động thông minh, thẻ du lịch thông minh; hệ thống quản lý thông tin du lịch dựa vào thiết bị cảm biến định vị; hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu ngành, dự báo thị trường khách du lịch…