Khách du lịch đến Nha Trang rất thích đi xích lô dạo phố. Thế nhưng, hoạt động này chưa được quản lý chặt, xuất hiện nhiều xích lô độ chế… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Từ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, xích lô dần trở thành một “sản phẩm du lịch”. Nhiều du khách muốn đến Việt Nam chỉ để được một lần trải nghiệm cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên chiếc xích lô, chầm chậm di chuyển trên đường phố, ngắm cảnh xung quanh... Lonely Planet - chuyên trang về du lịch nổi tiếng thế giới đã gợi ý cho khách du lịch nên một lần trải nghiệm ngồi xích lô ngắm cảnh khi đến Việt Nam.
Chưa được quản lý chặt
Ở Nha Trang, xích lô được nhiều doanh nghiệp lữ hành sử dụng để đón khách du lịch tàu biển quốc tế. Tour xích lô tham quan thành phố với các điểm đến như chùa Long Sơn, chợ Đầm, Tháp Bà Ponagar… là một trong những tour được khách du lịch tàu biển ưa thích. Trước đây, Hợp tác xã vận tải Hiệp Sơn có đội xích lô tham gia vận chuyển khách du lịch nhưng đã giải thể cách đây khoảng 4 năm. Hiện tại, Nha Trang chỉ còn một số đội xích lô tự quản. Số lượng người đạp xích lô hoạt động tự do còn khá nhiều. Mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành cần thận trọng trong việc sử dụng xích lô để chở khách du lịch. “UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật của xe 3 bánh (bao gồm xích lô) từ lâu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng xích lô, xem có đủ tiêu chuẩn theo quy định hay không. Nếu sử dụng xích lô không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để vận chuyển khách, khi xảy ra tai nạn thì rất phức tạp”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch nói.
Được biết, năm 2008, Sở Giao thông vận tải đã ban hành “Quy định về tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật xe thô sơ 3 bánh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Năm 2009, UBND tỉnh ban hành “Quy định về hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, trong đó có quy định người điều khiển phương tiện xe thô sơ vận chuyển khách và hàng hóa phải có biển hiệu và trang phục riêng để phân biệt với các đối tượng tham gia giao thông khác. Công an tỉnh quy định cụ thể việc đăng ký, cấp biển số xe thô sơ trên địa bàn tỉnh... Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều xe xích lô đang hoạt động trên địa bàn Nha Trang không có biển số. Đặc biệt, hầu hết xích lô chuyên chở khách du lịch ở đường Trần Phú đều được độ chế lắp thêm bình ắc quy, tốc độ khá lớn…
Nên thành lập nghiệp đoàn xích lô
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, Nha Trang là thành phố du lịch, vì vậy cần phải giữ xích lô để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, cần thành lập và đưa các xe xích lô này vào một hợp tác xã hoặc hiệp hội nào đó để quản lý. Khi vào đấy, các tài xế sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ lái xe, nghiệp vụ giao tiếp. Có như vậy vừa quản lý được chất lượng hoạt động xích lô, vừa tạo cho du khách cái nhìn đúng và thiện cảm hơn về loại hình này. Trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước về loại hình xích lô cần xử lý nghiêm các hành vi hoán cải, độ chế, làm ảnh hưởng đến kết cấu xe.
Đại diện nhiều công ty lữ hành cũng cho rằng, xích lô là một sản phẩm độc đáo để phục vụ khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch tàu biển. Tuy nhiên, về lâu dài, TP. Nha Trang nên tổ chức quản lý xích lô theo mô hình nghiệp đoàn như ở Hội An (do Liên đoàn Lao động và Phòng Quản lý đô thị Hội An phối hợp quản lý). Trong đó, nghiệp đoàn xích lô có quy chế hoạt động với các quy định như người lái phải mặc đồng phục khi hành nghề, làm việc theo phiên, theo chuyến, không tranh giành, chèo kéo khách, không được sử dụng các chất kích thích như rượu, bia khi hành nghề. Các xích lô đều có biển số đăng ký nên khi xảy ra vụ việc tiêu cực rất dễ điều tra, xử lý… “Nha Trang vẫn rất cần duy trì xích lô du lịch. Nếu được tổ chức tốt, xích lô du lịch sẽ góp phần tạo thêm sức hút cho du lịch Nha Trang”, ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours bày tỏ.
XUÂN THÀNH