Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp sức cho du lịch

Thứ ba - 21/07/2020 12:28
6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11, các đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu du lịch…, góp phần đưa kinh tế tỉnh sớm phục hồi.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp sức cho du lịch

6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11, các đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu du lịch…, góp phần đưa kinh tế tỉnh sớm phục hồi.


Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm


Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến hết tháng 6-2020, trên địa bàn tỉnh có 47 công trình, dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, không giải ngân hoặc giải ngân rất thấp. Giải ngân từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ chỉ đạt 21,8% kế hoạch; nguồn vốn cân đối địa phương đạt 39,9% kế hoạch. Đáng chú ý, chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tổng vốn hơn 220 tỷ đồng, đến thời điểm này, hơn 160 tỷ đồng của nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chưa được giải ngân, 60 tỷ đồng nguồn đối ứng của tỉnh chỉ mới giải ngân được hơn 43 tỷ đồng… Nguyên nhân kết quả giải ngân đầu tư công đạt thấp là do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19; công tác bồi thường giải tỏa và hỗ trợ tái định cư còn chậm…

 

Khách du lịch đi tour biển đảo.

Khách du lịch đi tour biển đảo.


Tại kỳ họp, nhiều đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh tiến độ của các dự án có vốn đầu tư công để tạo động lực cho sự phát triển KT-XH, giảm thiểu khó khăn vì dịch Covid-19, trong đó cần xem xét trách nhiệm của các sở, ngành đang giữ vai trò là chủ đầu tư các dự án. Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước trong đầu tư công, bởi chỉ cần một khâu ì ạch thì sẽ kéo theo cả dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH, nhất là khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, ít nguồn lực đầu tư.


Được biết, trong số 47 dự án đầu tư công chậm tiến độ, có 25 dự án vướng đền bù và giải tỏa, 22 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết quyết liệt vướng mắc, phải làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ của từng dự án. Từ đó mới có biện pháp cụ thể để tháo gỡ cho 47 dự án này, không để kéo dài thêm. Về vấn đề này, ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư chia sẻ: “Nhiều chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân xuất phát từ công tác đền bù và giải tỏa. Tuy nhiên, khi tổ chức cuộc họp để tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư không nêu được nguyên nhân nằm ở đâu, ở khâu kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất, phương án đền bù hay ở khâu nào…”.


Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, hiện nay, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc chỉ đạo khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, xác định giá đất bồi thường để trình UBND tỉnh phê duyệt. UBND cấp huyện phê duyệt phương án và chi trả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án theo quy định;  chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý, cắt giảm, điều chỉnh vốn đầu tư ở các dự án, công trình chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện.


Tiếp sức cho du lịch phục hồi

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đạt thấp so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm giảm 12,02% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,68%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 32,7%; doanh thu du lịch giảm 71,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 19,9%; thu nội địa bằng 35,3% dự toán.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã đánh giá cao việc phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng ngành Du lịch tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nên cần có sự tiếp sức, cũng như tận dụng khoảng thời gian nghỉ để cải thiện chất lượng dịch vụ, điều chỉnh lại cơ cấu thị trường khách quốc tế. “UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tham gia kích cầu du lịch, thu hút khách nội địa đến Khánh Hòa, nhất là giảm các chi phí cho doanh nghiệp du lịch; ngành Văn hóa và ngành Du lịch nên tổ chức các hoạt động đặc sắc để thu hút khách. Tỉnh cần thường xuyên quan tâm về giá cả cung ứng dịch vụ ăn uống, môi trường, trật tự, giao thông…”, đại biểu Lê Thị Mai Liên đề nghị.


Phản hồi ý kiến trên, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành Du lịch sẽ tăng cường thông tin quảng bá trên trang web Nhatrangnow.com, tập trung gói mua sắm hàng hiệu và gói combo sản phẩm dành cho du lịch MICE. Trong tuần này, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hội Lữ hành khảo sát việc thực hiện cam kết “giảm giá nhưng không giảm chất”. Về dài hạn, ngành Du lịch tỉnh sẽ sơ kết việc thực hiện Chương trình hành động phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn khách, cơ cấu sản phẩm, thương hiệu du lịch, cơ cấu lại nguồn nhân lực… để hướng du lịch phát triển bền vững.


Liên quan đến việc tiếp sức cho du lịch, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các ngành của tỉnh đang nỗ lực tổ chức các hoạt động để tiếp sức cho du lịch. Theo kế hoạch, đầu tháng 8-2020, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật văn hóa dân gian; UBND huyện Khánh Sơn sẽ tổ chức Lễ hội trái cây lần 2. Trong tháng 9, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương tổ chức chương trình mua sắm hàng hiệu tại Bến du thuyền Ana Mandara… Song song với việc kích cầu du lịch nội địa, ngành Du lịch cũng phải sẵn sàng chuẩn bị đón khách quốc tế quay trở lại, trong đó cần phải làm lại bản đồ du lịch, giới thiệu những điểm đẹp nhất, mới nhất đến du khách; phải đào tạo nâng cao chất lượng dịch vụ, điều chỉnh cơ cấu lại nguồn khách. Ông cho biết, sau một thời gian ngưng trệ, hiện nay, một số dự án ở khu vực Bãi Dài, Cam Lâm và khu vực phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang đang tái khởi động rất tích cực, sẽ hình thành các tổ hợp du lịch lớn ở các khu này để tiếp thêm sức hút cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. “Về lâu dài, phải làm sao để khách du lịch đến Nha Trang kéo dài thời gian lưu trú; phải làm cho họ trở lại Nha Trang - Khánh Hòa nhiều lần. Có như vậy, du lịch mới phát triển bền vững”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.


XUÂN THÀNH - HẢI LĂNG

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp