Nhớ một thời đi củi

Thứ sáu - 08/11/2024 08:19
Ở quê tôi và một số vùng quê khác ở miền Trung, để chỉ công việc vào rừng lấy củi người ta thường nói ngắn gọn: “Đi củi”. Ai đã từng tìm hiểu về văn hóa cưới hỏi của người Giẻ Triêng ở Kon Tum sẽ biết một phong tục khá độc đáo, đó là các thiếu nữ lớn lên, muốn “bắt chồng” phải học cách đi đốn củi mang về chất thành đống ngay ngắn bên hiên nhà. Họ gọi đó là củi hứa hôn. Những bó củi là bằng chứng nói lên sức khỏe, sự năng động, giỏi giang, chịu thương chịu khó của các cô gái, làm cơ sở để các chàng trai chú ý, thăm dò, đi tới tỏ tình. Rồi khi cưới nhau, những bó củi mang sắc màu tình yêu ấy sẽ thành của hồi môn đặc biệt mà các cô gái dành cho bếp lửa đầm ấm nơi nhà chồng. Hồi còn nhỏ, tôi đã nhiều lần đi củi, nhưng không phải lấy củi về để “bắt chồng” mà giúp cha mẹ có cái đun nấu hàng ngày.

Ở quê tôi và một số vùng quê khác ở miền Trung, để chỉ công việc vào rừng lấy củi người ta thường nói ngắn gọn: “Đi củi”. Ai đã từng tìm hiểu về văn hóa cưới hỏi của người Giẻ Triêng ở Kon Tum sẽ biết một phong tục khá độc đáo, đó là các thiếu nữ lớn lên, muốn “bắt chồng” phải học cách đi đốn củi mang về chất thành đống ngay ngắn bên hiên nhà. Họ gọi đó là củi hứa hôn. Những bó củi là bằng chứng nói lên sức khỏe, sự năng động, giỏi giang, chịu thương chịu khó của các cô gái, làm cơ sở để các chàng trai chú ý, thăm dò, đi tới tỏ tình. Rồi khi cưới nhau, những bó củi mang sắc màu tình yêu ấy sẽ thành của hồi môn đặc biệt mà các cô gái dành cho bếp lửa đầm ấm nơi nhà chồng. Hồi còn nhỏ, tôi đã nhiều lần đi củi, nhưng không phải lấy củi về để “bắt chồng” mà giúp cha mẹ có cái đun nấu hàng ngày.

Ngày ấy, chúng tôi chỉ mới ở tuổi 13, 14. Nhà cách rừng khoảng 5 đến 6 cây số, vào kỳ nghỉ hè hoặc những ngày không đi học, sáng sáng, chúng tôi thường rủ nhau vào rừng lấy củi. Lúc đầu đi theo những người lớn tuổi có kinh nghiệm, sau quen dần, có khi chỉ mấy đứa cùng lứa đi với nhau. Thường vào lúc gần sáng, khi trong xóm rộ lên những tiếng gà gáy canh đầu thì cha mẹ đã gọi chúng tôi dậy để nấu cơm. Cũng có lúc, người lớn dậy sớm nấu giúp để con cái được ngủ thêm, lấy sức. Sau khi cơm chín, ăn xong, đứa nào cũng gói một phần trong chiếc mo cau để mang theo cùng bình nước và chiếc đòn xóc, cái rựa với mấy dây lạt tre, mây, hay dây thừng được cuộn tròn đã chuẩn bị từ chiều hôm trước. Thế rồi, sau những tiếng gọi nhau í ới, cả đám tụ lại cùng đi khi con đường dưới chân còn ẩm hơi sương và những vì sao trên trời vẫn còn nhấp nháy.

Đoạn đường từ nhà chúng tôi vào rừng phải băng qua vài xóm nhỏ, đôi mảnh ruộng, mấy ngọn đồi trập trùng nơi giáp ranh cùng mấy con suối nhỏ. Tới bìa rừng, ai nấy lại phải đi theo con đường nhỏ dẫn vào các khu vực sâu hơn mới mong có củi, vì ở các mé bên ngoài, những người đi trước đã đốn và lấy hết từ lâu, chỉ còn toàn bụi cây, bụi gai lúp xúp. Khi chọn được một trảng đất bằng, thấy chung quanh có nhiều củi, chúng tôi liền chọn làm điểm tập kết, cất giấu đòn xóc cùng các thứ, rồi vác rựa tản đi các hướng. Để tránh cảnh phá rừng, đồng thời để gánh cho nhẹ, củi được chọn thường là củi khô. Muốn có củi tốt, cháy đượm, nhiều lúc chúng tôi phải chui vào những bụi lùm chằng chịt. Nhưng hồi nhỏ đứa nào cũng hăng, chẳng ngại khó, cứ thấy củi đẹp là lấy rựa dọn gai, dọn dây mà vào. Khi lấy đủ củi, ai nấy gom lại, sau đó lần lượt vác từng bó nhỏ, dồn xuống ở nơi tập kết, chặt thành những đoạn bằng nhau để làm bó chính. Một gánh củi có 2 bó. Khi bó xong, phải nêm thêm một số thanh củi vào bó cho chặt, rồi dùng đòn xóc cắm xuyên qua 2 đầu, mỗi đầu một bó để gánh.

Bó củi xong cũng là thời khắc chúng tôi thoải mái ngồi bên thành quả của mình và mở mấy mo cơm ra, vừa ăn vừa trò chuyện. Tuy chỉ ăn với muối đậu phộng, muối mè, có khi muối trắng, nhưng sau khi làm cật lực, bụng đói, đứa nào đứa nấy đều ăn ngon lành, chỉ còn lại mấy cái mo không. Cũng có lúc gặp cây mít rừng lủng lẳng quả chín, cả nhóm xúm lại hái xuống, bổ ra ăn.

Vào rừng đốn củi, kinh nghiệm người lớn truyền lại đó là luôn chú ý chỗ mình đứng có ong làm tổ không. Đụng nhằm tổ ong thì khó thoát khỏi bị đốt vì trong rừng vướng cây cối, không thể chạy ra xa được. Ong mật, ong vò vẽ đã đành, cả ong lá (loại ong có cái tổ nhỏ xíu chỉ bằng 2 ngón tay, dính trên lá) cũng phải để ý. Nhiều người trong xóm tôi đi củi từng bị ong đốt, dẫn tới phát sốt phải nằm ở nhà mấy ngày. Một loại cây chúng tôi cũng cần tránh xa đó là cây sơn độc. Loại cây này có lá dày, thân cây có mủ màu trắng như sữa, khi tiếp xúc sẽ làm cho da bị dị ứng, mẩn đỏ, bỏng rát, nhiều trường hợp bị nặng, mặt mày, tay chân sưng vù lên. Nhiều người vào rừng không may gặp nhằm cây này phải uống thuốc giải độc mới nhanh khỏi.

Có những chuyện gắn liền với việc đi đốn củi mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Một lần, Thúy - cô bạn trong nhóm khi lấy củi bên triền con dốc bỗng dưng hét lên thật to làm mấy đứa còn lại hoảng hốt, vội vàng chạy tới. Thúy sợ cũng phải, vì theo tay chỉ của bạn, chúng tôi nhìn thấy một con trăn to đùng đang nằm cuộn lại thành mấy khoanh trên một thân cây cao phía trước. Hình như con vật đã ăn mồi no và đang ngủ. Để tránh nguy hiểm, chúng tôi bảo nhỏ nhau không gây tiếng động mà chỉ lặng lẽ giúp Thúy mang củi tới chỗ tập kết. Có lần trên đường về, khi bước qua con suối nhỏ, một bó củi của tôi bỗng bật ra khỏi đòn xóc, đứt dây đổ xuống nước. Được mấy đứa bạn giúp, tôi tìm dây bó lại để gánh tiếp. Nhưng đó là lần tôi nhớ đời, vì củi khô rơi xuống suối, thấm nước nên gánh nặng hơn bình thường rất nhiều...

Đi củi khá cực nhọc. Đôi khi đang đi, dép đứt quai, chân đạp phải đá nhọn, đau điếng. Ai không quen, đi lấy củi một lần sẽ sợ, nhưng với chúng tôi hồi còn nhỏ, đứa nào cũng thấy vui và ham lắm. Ham vì thấy mình không còn bé nữa, có thể làm việc để giúp đỡ cha mẹ; ham vì đứa nào cũng thấy đống củi mình mang về để trước sân hoặc trong chái bếp cao dần lên, mà củi là một trong những yếu tố góp phần tạo nên những bữa ăn ấm cúng trong gia đình.

Ngày nay, không chỉ ở thành phố, nhiều nơi ở nông thôn người ta cũng đã sử dụng bếp gas, bếp điện, bếp từ… thay cho bếp đun bằng củi. Nhà tôi cũng vậy. Tuy nhiên, với chúng tôi, chuyện đi củi một thời thật khó quên. Cả cái mùi cơm gói trong chiếc mo cau ăn cùng chút muối giữa rừng lúc bó củi xong nhiều khi cũng hiện lên trong trí nhớ.

TRẦN NINH THỌ

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp