Nhắc đến TP. Nha Trang, nhiều người chỉ nghĩ đến biển, đảo, đến núi mà ít nhắc về miền đồng quê sông nước. Vậy mà trong tôi luôn lưu nhớ đến một khúc sông êm êm tĩnh lặng ở miền ngoại ô thành phố, nơi mà người dân xã Vĩnh Thạnh đều gọi là bàu nước. Đây là đoạn nước chảy từ sông Cái rẽ ngang vào sông Quán Trường, tới Cầu Dứa bị con đập của nhà máy nước chặn lại tạo thành bàu nước mênh mông êm đềm như hồ giữa ruộng đồng thanh bình. Chúng ta có thể gặp bàu nước từ chân Cầu Dứa cho tới tận bờ sông Cái, xã Vĩnh Phương.
Trẻ em làng quê Nha Trang. |
Tôi - đứa trẻ sống ở khu vực chợ Đầm biết đến bàu nước Vĩnh Thạnh là có mấy đứa bạn hàng xóm quê nội ở Phú Nông, Vĩnh Thạnh rủ về chơi. Ngày đó, Vĩnh Thạnh trù phú, có vườn chôm chôm, saboche, táo, mít... nên thu hút ngay đám trẻ thành phố khi về thăm. Trẻ em xưa đứa nào cũng thích nuôi cá lia thia, cá sặc, cá rô thóc trong hồ nước nhỏ của mình. Vì thế, khi về quê gặp bàu nước trong xanh tĩnh lặng bên những lạch nước, có vô vàn các loại cá nhỏ thì sướng mê, chặn rổ lùa bắt cá con đem về nhà nuôi. Từ đó, chúng tôi cứ rảnh là đạp xe về bàu nước bắt cá, vớt rong về nhà chơi. Mùa hè, cũng có lúc chúng tôi đi bắt ve sầu hay theo các anh đi bắt trứng kiến, cào cào, châu chấu về nuôi chim chào mào, ròng rọc hay chim ri. Đó chính là món quà quê thân thiết và quý giá của tuổi thơ.
Bàu nước có vẻ đẹp thanh bình của khúc sông quê, bên bờ có những rặng tre tỏa bóng xuống mặt nước, vi vu tiếng lá reo. Mùa hè, ve ở các lùm cây bên bờ bàu rỉ ran ca hát làm lấp lánh mặt nước. Mùa thu, trời hiu mây xám băng qua làm mặt bàu thẫm lại. Lũ chuồn chuồn chao cánh rập rờn trên các ngọn cỏ nước rồi vù vù bay đi. Thỉnh thoảng, lũ nhóc chúng tôi cũng gặp vài con sáo đá bay ngang cất tiếng kêu lảnh bâng khuâng như nhớ lưng trâu chúng đậu hôm nào nay bãi cỏ vắng tanh. Bàu nước vốn thường rất lặng tờ, chỉ rộn ràng khi người chăn vịt thả đồng lùa đàn về bên kia bờ. Có những trưa hè tôi ghé qua ngồi lại, gặp cảnh đàn vịt ngụp lặn tắm táp giữa bàu. Người chăn vịt ngồi trên xuồng nhỏ gõ mạn thuyền lùa đi mất hút để lại không gian cô liêu.
Trẻ em Nha Trang. |
Sau này lớn lên, tôi càng yêu bàu nước này, dành nhiều cảm hứng cho những câu chuyện đồng thoại trìu mến của mình từ mặt nước này. Rồi lúc phụ trách các em năng khiếu văn thơ ở Nhà Thiếu nhi tỉnh, tôi đã dẫn các em trải nghiệm làng quê êm đềm trù phú của Nha Trang. Bàu nước Vĩnh Thạnh chính là nơi đến. Các em được đi trên cánh đồng nếp thơm hương, chơi dưới bóng mát rặng tre soi tóc bên mặt nước, đi hái sen ở bàu... Nhiều em qua thực tế về viết những đoạn văn thơ rất hay. Sau này, nhiều em lớn lên thành giáo viên dạy văn, thành nhà báo và cả nhà văn khi nhắc lại các chuyến đi về bàu nước Vĩnh Thạnh ngày đó sao nên thơ thế, dạt dào thế, đúng như miền cổ tích sông nước trong các câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương... Các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng thường đến đây chụp những bức ảnh về làng quê Nha Trang với không gian sông nước, vì thế nhắc đến bàu nước ai cũng nhung nhớ.
Bàu sen - Cầu Dứa. (Các ảnh đều chụp vào thập niên 90) |
Bàu nước chỉ nên thơ, mang màu làng quê ruộng đồng đến gần hết thập niên 90, khi làng quê thay đổi. Tiếc nhất là bên bờ sông, những rặng tre gai mượt mà thả tóc thưa dần. Con đường đất đi trong làng thay bằng bê tông. Những ngôi nhà ngói âm dương thấp bé với mảnh vườn nhỏ, trồng cây cảnh cũng không còn vì nhà cao tầng mọc lên nhiều. Bàu nước thu hẹp lại, ruộng lúa, bãi cỏ cũng không còn. Tôi cố gắng nhiều lần sau đó đem hình ảnh ký ức xưa thời tuổi thơ đi bắt cá lội sông ở bàu này mà không sao gặp lại. Cảm giác tiếc nuối về miền sông nước đã mất đi mãi mãi.
Có thể sau này sông Quán Trường, bàu nước này sẽ thành không gian mới hiện đại nhưng để được như xưa thì thật khó. Ngẫm lại thì thời gian biến thiên, mọi thứ thay đổi kể cả dòng nước hay miền thơ ấu làng quê.
LÊ ĐỨC DƯƠNG