Khát khao đến trường của “cậu bé hạt tiêu“

Thứ tư - 14/11/2018 22:28
Ngày nắng cũng như ngày mưa, trên dãy cầu thang của trường THCS Bùi Thị Xuân - Nha Trang, thầy cô và học sinh luôn bắt gặp hình ảnh người mẹ bế cậu con trai một bên, còn bên kia khoác chiếc cặp trên vai lên lớp học.

Ánh sáng buổi sớm mai như khắc sâu thêm hình bóng liêu xiêu của người phụ nữ trung niên, xen lẫn những giọt mồ hôi rơi vội. Thỉnh thoảng là giọng nói hóm hỉnh của cậu con trai như khiến mọi mệt mỏi của người mẹ tan biến.

Hình ảnh đó lặp lại đều đặn trong vài năm qua, có thể lay động cảm xúc của bất cứ ai chứng kiến.

Người mẹ cần mẫn ấy là chị Dương Thị Bích Hạnh và cậu con trai kém may mắn là Trương Hoàng Thiện (học lớp 9/2, trường THCS Bùi Thị Xuân) bị khuyết tật vận động - xương thủy tinh.

Có lẽ cái tên “Hoàng Thiện” cũng là niềm mong mỏi của cha mẹ dành cho em. Chỉ mong sao em có thể lớn lên khỏe mạnh và lành lặn như bao đứa trẻ khác… nhưng điều đó sao thật khó. Vì Hoàng Thiện không tài nào di chuyển được bằng đôi chân của mình, tất cả đều phải nhờ người khác cõng, bế mình trên tay.

Ngay cả chiếc bàn học của Thiện trong lớp cũng phải thiết kế riêng để phù hợp với dáng ngồi của em.

Hoàng Thiện sinh năm 2000. Lẽ ra năm nay em đã là một tân sinh viên đại học, cao đẳng như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Nhưng Thiện bắt đầu hành trình học tập của mình khi 11 tuổi.

Tưởng chừng sự chênh lệch về tuổi tác, ngoại hình sẽ khiến em tự ti, mặc cảm với bạn bè. Nhưng không, chàng trai nặng 20 kg này vẫn xem "mỗi ngày đến trường là một niềm vui", được gặp những "đứa em" trong lớp là niềm hạnh phúc.

Và nụ cười rạng rỡ chưa bao giờ vụt tắt trên gương mặt nhỏ bé của em.
 

f


Được dịp dạy Văn em năm lớp 7, đó là cơ hội để tôi gần gũi và giúp đỡ em nhiều hơn trong việc học. Có trực tiếp giảng dạy nhiều tiết trong lớp, tôi mới cảm nhận được nghị lực sống, ham học hỏi cứ trào dâng trong vóc dáng của một nam sinh nhỏ bé.

Em đọc thông viết thạo. Những con chữ của em có phần chi chít do cánh tay, ngón tay ngắn và nhỏ, di chuyển rất khó. Nhưng bù lại cấu tứ diễn đạt rõ ràng và ý tưởng mạch lạc, thể hiện được cảm xúc của em dành cho đối tượng được hướng tới.

Đọc những bài làm của em, tôi cảm tưởng đọc những trang nhật kí của một cậu học trò chăm chỉ. Ở đó có tình yêu thương kính trọng dành cho cha; là lời cảm ơn chân thành đến người mẹ; là nét hóm hỉnh khi kể về những người bạn trong lớp và đặc biệt là những rung động đầu đời với cô bạn ngồi bàn dưới.

Em đã không để nghịch cảnh “vùi dập” mà ngược lại, em đem những khó khăn ấy biến thành động lực và niềm tin yêu vui sống vào chính cuộc đời của mình, lan tỏa “năng lượng sống” tích cực đến với bạn bè và thầy cô. Để ai ai cũng cảm nhận và thấy rõ một nghị lực phi thường của “cậu bé hạt tiêu” – biệt danh mà tôi đặt cho em.

Thỉnh thoảng, vì bố mẹ có lí do chưa kịp đến, em ngồi một mình giữa lớp khi các bạn đã về hết. Những lúc ấy, tôi tranh thủ nán lại vừa trò chuyện vừa động viên em, nhưng cốt ý là để em không cảm thấy cô đơn. Ấy vậy mà, em cứ liền miệng hát theo một giai điệu bất chợt nào đó mà em nhớ ra, để khoảng thời gian chờ đợi được rút ngắn lại.

Lẽ thường, chúng ta hay ước mơ những điều mà mình không có, Hoàng Thiện cũng vậy! Em chia sẻ với tôi rằng, em thích đá bóng, muốn được tự đi trên chính đôi chân của mình. Và ước mơ cháy bỏng nhất là học thật giỏi để có kiến thức chuyên sâu về thể thao, được tham gia bình luận một trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Em yêu tuyển Việt Nam như bao trái tim của triệu triệu người Việt Nam khác. Quá bình dị đến mức tràn đầy ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc.

Tính đến nay, Hoàng Thiện đã được học dưới ngôi trường THCS Bùi Thị Xuân năm thứ tư liên tiếp. Trong suốt thời gian qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để em có tâm thế học tập thoải mái, tránh áp lực không đáng có cũng như lên kế hoạch chủ nhiệm và giảng dạy bộ môn theo Chương trình giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập phù hợp với khả năng của Hoàng Thiện. Đồng thời trao tặng những suất học bổng để biểu dương tinh thần học tập của em.

Không lâu nữa, em cũng sẽ tốt nghiệp THCS và không còn là học sinh của trường. Chặng đường phía trước của em rồi sẽ ra sao? Nhưng tôi tin, dù “kịch bản” trong tương lai có thế nào thì nghị lực khao khát đến trường vẫn chưa bao giờ “ngừng cháy” trong cơ thể nhỏ bé kia.

Tác giả bài viết: Lê Đức Bảo
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp