Đất nước - con người Khánh Hòa

Chủ nhật - 14/05/2017 21:03
Khánh Hòa ngày nay là phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Champa. Năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần bèn sai cai cơ Hùng Lộc Hầu đem 3.000 quân sang đánh, chiếm được vùng đất Phan Rang trở ra đến Phú Yên, đặt thành dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh. Đến năm 1831, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở trấn Bình Hòa (dinh Thái Khang cũ). Sau năm 1975, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Đến năm 1989, Quốc hội lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như cũ.

2.1. Lược sử hình thành và phát triển

Khánh Hòa ngày nay là phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Champa. Năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần bèn sai cai cơ Hùng Lộc Hầu đem 3.000 quân sang đánh, chiếm được vùng đất Phan Rang trở ra đến Phú Yên, đặt thành dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh. Đến năm 1831, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở trấn Bình Hòa (dinh Thái Khang cũ). Sau năm 1975, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Đến năm 1989, Quốc hội lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như cũ.

Đến nay, về mặt đơn vị hành chính, Khánh Hòa gồm có hai thành phố trực thuộc tỉnh (Nha Trang - trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa và Cam Ranh - trung tâm kinh tế năng động phía nam của tỉnh Khánh Hòa), 1 thị xã và 6 huyện.

2.2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa

Ở Khánh Hòa có nhiều bậc hào kiệt gắn liền với nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc mà đến nay tên tuổi của họ vẫn còn lưu danh. Sau đây là một số nhân vật lịch sử tiêu biểu:

Trịnh Phong: người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, chúng ta không có tư liệu chính thức về thân thế và sự nghiệp của ông một cách đầy đủ, song chắc chắn rằng khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương (tháng 8/1885) thì ông đang là một vị quan của triều đình (tài liệu của Pháp có ghi rằng ông giữ chức Đề lại), đóng ở thành Diên Khánh. Vốn là người tài đức, lại kết giao rộng rãi với những người cùng chí hướng, bởi vậy ngay sau khi cờ nghĩa dựng lên đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng như đội ngũ trí thức Khánh Hòa cùng hưởng ứng, quy tụ dưới lá cờ của “Bình Tây đại tướng”. Bị giặt bắt, biết rằng không thể mua chuộc được người anh hùng, thực dân Pháp đã hèn hạ xử trảm ông cùng một số đồng chí của ông để uy hiếp tinh thần yêu nước của nhân dân tại Hòn Khói (11/9/1886). Chiến đấu kiên cường và hi sinh oanh liệt, sau cái chết của ông, nhân dân vô cùng thương tiếc và nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại đã được lưu truyền để khẳng định đức độ và sự linh thiêng của ông. Đến nay, Miếu Trịnh Phong đã được Nhà nước quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tham gia phong trào trong những ngày đầu còn có các ông Nguyễn Khanh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Lê Thiện Kế, Lê Thiện Thuật, Nguyễn Trung Mưu, Lê Nghị… ở Nha Trang và Diên Khánh; Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long ở Vạn Ninh… đều là những người tài giỏi, có uy tín lớn trong nhân dân. Sau lễ tế cờ tại Xuân Sơn, nghĩa quân Khánh Hòa tuyên bố không phục tùng chính quyền Đồng Khánh (tay sai của Pháp) mà vẫn ủng hộ vua Hàm Nghi, phát động phong trào Cần vương chống Pháp.

- Trần Ðường: Quê quán ở làng Hiền Lương (nay thuộc xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh), sinh năm Kỷ Hợi (1839) triều Minh Mạng. Ông thông Hán văn, thạo võ nghệ và làm Phó tổng trấn dưới triều Tự Ðức. Tính tình khẳng khái nhưng tâm nhân hậu nên ông được quan trên nể nang, người bình dân kính mến ưa gần. Ứng nghĩa Cần Vương, ông được phong làm Tổng Trấn. Chiến đấu anh dũng, Tổng trấn Trần Đường cũng đã hiên ngang đón nhận cái chết để cứu dân làng.

Hiện nay, phần mộ của Trịnh Phong được đặt ngay trong khuôn viên của dòng họ tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang. Còn ở thôn Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, trong khuôn viên một ngôi chùa nhỏ là nơi an nghỉ của Trần Đường. Nhân dịp kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, tỉnh đã đầu tư để xây dựng, nâng cấp khu mộ của hai ông ngày một khang trang hơn. Đồng thời tên của hai ông đã được đặt cho hai đường phố lớn ở TP. Nha Trang.

Nguyễn Khanh: Người làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang), ông được phong làm Tán Tương Quân Vụ cùng hai ông em Nguyễn Dị giữ chức Tham Tán, Nguyễn Lương giữ chức Kiểm Biện, coi việc tuyển mộ binh sĩ, tiếp tế quân đội trong phong trào Cần Vương. Ông cũng có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm mưu trí vượt nguy hiểm, khó khăn, dám hy sinh để bảo vệ vùng đất sinh tồn của mình.

Ba ông Trịnh Phong, Trần Ðường, Nguyễn Khanh được người đương thời tôn xưng là “Khánh Hòa Tam Kiệt”.

Phạm Chánh: Người làng Hội Khánh (nay thuộc xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh). Ông học giỏi nhưng không đi thi. Ông ứng nghĩa Cần Vương và giữ chức Thâm Trấn. Tuy bị giặc bắt, dụ hàng nhưng ông khẳng khái lấy cái chết đền ơn nước.

Hòa thượng Thích Quảng Ðức: sinh năm Ðinh Dậu (1897) tại làng Hội Khánh (nay thuộc xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh). Họ Lâm húy là Vạn Túc. Ðứng trước cảnh ngửa nghiêng của Phật giáo thời bấy giờ, mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không thể tọa thị để cho Chánh Pháp tiêu vong, Hòa thượng Thích Quảng Ðức bèn phát nguyện thiêu thân giả tạm cúng dường chư Phật để hồi hướng công bảo tồn Phật giáo.

Phan Thị Ðốc: Bà là liệt nữ nổi danh nhất Khánh Hòa. Năm Minh Mạng thứ 12 (1931), chiếu theo lời tâu của quan địa phương, bà được nhà vua ban thưởng bảng vàng “Trinh tiết khả phong” cùng vàng lụa.

Bác sĩ Yersin: Bác sĩ húy là Alexandre, sinh năm 1963 tại Lavaux, một nơi thôn quê ở Thụy Sĩ. Tuy là người ngoại quốc, nhưng sống ở Nha Trang gần 50 năm và lấy Khánh Hòa làm nơi “sống gởi nạc, thác gởi xương”. Tình thâm, đức hậu, khiến người Khánh Hòa luôn luôn nhớ đến công ơn và coi ông như người bổn kiển. Được xem là một tài năng xuất chúng, năm 1888 Alexandre Yersin nhận bằng tiến sĩ y khoa tại Paris và sau đó làm việc tại Viện Pasteur Paris. Không chỉ là một nhà khoa học tên tuổi, Yersin còn là một nhà thám hiểm tài ba, do đó năm 1890, ông rời Viện Pasteur Paris để làm bác sĩ cho công ty tàu biển Messageries Maritimes của Pháp chạy tuyến Sài Gòn – Manila, Sài Gòn – Hải Phòng. Và đó cũng là lần đầu tiên ông đặt bước chân định mệnh đến Nha Trang – Việt Nam và gắn chặt đời mình tại mảnh đất này. Trong suốt 50 năm gắn bó với Việt Nam, gia tài của bác sĩ Yersin để lại cho Việt Nam và nhân loại thật đồ sộ: là người tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế huyết thanh điều trị căn bệnh này. Ông đã viết 55 đề tài nghiên cứu khoa học, 40 đề tài nghiên cứu y khoa, trong đó có đến 13 đề tài về nghiên cứu bệnh dịch hạch mà ông là người đầu tiên tìm ra, 12 đề tài khoa học chuyên ngành thú y, trồng trọt, chăn nuôi. Ông là người đầu tiên tìm ra cao nguyên Di Linh, cao nguyên Lang Biang và đặt nền tảng khai sinh ra thành phố du lịch Đà Lạt ngày nay. Ngoài ra, ông còn là người có công di thực cây cao su và cây canh-ky-na đầu tiên vào Việt Nam, ông cũng là người tạo dựng nên trường đại học Y khoa Hà Nội – trường đại học y đầu tiên trong toàn cõi Đông Dương – và sáng lập Viện Pasteur Nha Trang… Với người Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, bác sĩ Yersin gần như là một ông Thành hoàng làng, một bậc thánh sống. Và có lẽ ông là người nước ngoài duy nhất được đưa vào chùa thờ phượng. Ở chùa Linh Sơn Pháp Ấn hay chùa Long Tuyền (Diên Khánh, Khánh Hoà), di ảnh Yersin được đưa vào chùa thờ bên cạnh tượng Phật. Còn ở đình làng Tân Xương dưới chân đỉnh Hòn Bà, dân làng đưa Yersin vào đình thờ như Thành hoàng của làng.
 

Anh 3 Thap Ba Ponagar Nha Trang
Tháp Bà Ponagar

2.3. Di sản văn hóa

2.3.1. Di sản văn hóa vật thể

a. Di tích, bảo tàng 

Ngoài những tiềm năng về kinh tế, Khánh Hòa còn được biết đến như là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Khánh Hòa là địa bàn tồn tại của văn hóa Xóm Cồn, một nền văn hóa khảo cổ, có niên đại trước cả văn hóa Sa Huỳnh.

- Tháp Po Nagar: Thường được gọi là Tháp Bà, là nơi thờ Bà Mẹ Xứ Sở, nằm trên đỉnh hòn Cù Lao, một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) thuộc phường Vĩnh Phước, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía bắc. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thuộc loại lớn nhất trong hệ thống đền tháp Champa tại Việt Nam và là tiêu biểu và quan trọng nhất trong các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc và bia ký của nền văn hóa Champa ở Khánh Hòa. 

- Am Chúa: Cũng là một di tích lịch sử của vương quốc Champa. Am Chúa là nơi thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu (Po Nagar), một vị phúc thần rất được kính trọng ở Khánh Hòa. Am Chúa được xây dựng trên một ngọn núi có tên là núi Ðại An (núi Dưa), thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Theo sự tích được ghi lại trong một tấm bia đá từ năm 1856 ở Tháp Bà, Am Chúa được coi là nơi phát tích của Bà Po Nagar lúc ấu thơ sống với cha mẹ nuôi, còn Tháp Bà (Nha Trang) là nơi thờ Bà khi đã hiển thánh.

Ngoài Tháp Bà, Am Chúa, ở Khánh Hòa còn có nhiều di tích văn hóa Champa nổi bật khác như: bia Võ Cạnh có niên đại khoảng thế kỷ III - VI sau Công nguyên và là tấm bia cổ vào bậc nhất nước ta và Đông Nam Á, Thành Hời, miếu Ông Thạch, đàn đá Khánh Sơn...

- Thành lũy Diên Khánh: Là chứng tích của một công trình văn hóa vật thể, đã được cha ông ta xây dựng từ khi bắt đầu hình thành phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh, để trấn giữ vùng Nam Trung Bộ, khai điền, lập ấp, mở rộng bờ cõi cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc về phương nam. Khi đó, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 1792, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.

Ngoài ra, hệ thống đình chùa, miếu mạo khắp các thôn làng trong vùng đất Khánh Hòa vẫn còn lưu giữ để tôn vinh thờ cúng những vị tiền hiền, hậu hiền đã có công giúp nhân dân làm ăn sinh sống. Hệ thống nhà thờ họ của người dân là biểu hiện của nỗi nhớ về cội nguồn quê hương đất nước, chim có tổ, người có tông, mà cùng nhau gìn giữ thanh danh truyền thống cho gia đình, dòng họ của mình, cùng nhau giáo dục làm điều thiện, tránh điều ác, làm rạng rỡ tông danh dòng họ, kẻ hậu sinh luôn nhớ về công đức của các bậc tiền bối. Hệ thống chùa chiền Phật giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin Lành... trải rộng khắp vùng lãnh thổ Khánh Hòa góp phần giáo dục con người làm điều hay lẽ phải, tránh điều dữ, điều ác, góp phần hoàn thiện con người.

- Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa: Hiện đang bảo quản gần 10.000 hiện vật gốc, hơn 5.000 tư liệu hình ảnh thuộc về các thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại quý hiếm. Công tác bảo tồn bảo tàng đã được quan tâm củng cố, hàng trăm hiện vật cổ cách đây hàng nghìn năm đã được sưu tầm, khai quật từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ văn minh đồ đồng, đồ sắt. Nhiều hiện vật lịch sử văn hóa phản ánh các thời kỳ lịch sử và thành tựu văn hóa của nhân dân Khánh Hòa đang được lưu giữ và trưng bày nơi đây.

b. Danh lam thắng cảnh

Khánh Hòa, với bờ biển dài và khí hậu ôn hòa, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh vào loại đẹp nhất Việt Nam. Nổi tiếng nhất vẫn là vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có diện tích khoảng 507km² bao gồm một quần thể gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, với các đảo nổi tiếng như Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Nhiểu.

- Hòn Tằm nổi tiếng với những bãi tắm tô điểm bằng những đá vân màu sặc sỡ trắng, xanh, nâu, đen... Dọc bãi tắm là bóng mát của những hàng cây ăn quả bao gồm xoài, mít, sa-pô-chê... Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí mới được ngành du lịch phát hiện và đưa vào khai thác. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m.

- Hòn Mun lại hấp dẫn du khách với những hang động hiểm trở, đá trên đảo có màu đen tuyền như gỗ mun nhưng bãi tắm lại được lát bằng đá trắng. Dưới đáy biển ven đảo là rừng san hô bạt ngàn với nhiều sinh vật biển kỳ lạ. Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam.

- Hòn Nhiểu (còn gọi đảo Bồng Nguyên) nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng.

Nhắc đến Khánh Hoà, không thể không nhắc đến Hòn Ngọc Việt, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao trên đảo Hòn Tre. Với tổng diện tích trên 150ha và 700m bãi biển tự nhiên, Hòn Ngọc Việt là địa chỉ du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Khánh Hoà hiện nay.

Ngoài ra Nha Trang còn có những danh lam khác như: biệt thự Bảo Đại (hay còn gọi là biệt thự Cầu Đá), là một công trình kiến trúc đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Pháp với nghệ thuật hoa viên Phương Đông, từng là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu); thác Yangbay (cách thành phố Nha Trang khoảng 45km, ở độ cao 100m so với mực nước biển, nằm lọt giữa rừng nguyên sinh màu mỡ và những dãy núi); chùa Long Sơn; suối khoáng Tháp Bà; chợ Đầm; chùa Trúc Lâm; nhà thờ Núi; bãi Dài; Đầm Môn; Dốc Lếch…

2.3.2. Di sản văn hóa phi vật thể

Cùng với các di sản văn hóa vật thể, là những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, ẩm thực và các làng nghề truyền thống mang bản sắc riêng.

a. Lễ hội

Có 4 lễ hội chính tại Khánh Hòa gồm:

- Lễ hội Đền Hùng: Được tổ chức trang trọng hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng Vương, hay còn gọi là đền thờ Đức Quốc tổ Hùng Vương (đường Ngô Gia Tự, thành phố Nha Trang), với nghi thức trang trọng, độc đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp cao quý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”. 

- Lễ hội Am Chúa: Được tổ chức vào ngày 22 tháng 4 âm lịch để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, bà mẹ của xứ sở tại Am Chúa, nơi thờ nữ thần Ponagar (Thiên Y A Na) trên sườn núi Đại An (núi Chúa), thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Theo truyền thuyết, đây là nơi nữ thần giáng trần, sống thời thơ ấu với hai vợ chồng tiều phu già. Nơi đây có miếu thờ và tượng Bà.

- Lễ hội tháp Bà: Được tổ chức vào ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm tại khu di tích tháp Ponagar ở thành phố Nha Trang. Đây là lễ hội lớn nhất trong khu vực để tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ Sở. Theo truyền thuyết, Bà Mẹ Xứ sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt... Lễ hội tháp Bà không chỉ thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chăm ở Nha Trang, Khánh Hoà mà nhiều người ở khắp nơi trong nước cũng nô nức kéo về dự hội.

- Lễ hội cá Ông: Từ xưa, ngư dân vùng ven biển đã cho rằng cá voi là một loài cá hiếm, không làm hại ai và thường giúp họ khi gặp giông bão trên biển. Tin vào sự giúp đỡ của cá voi, ngư dân tổ chức việc thờ cúng hết sức thành kính. Họ kiêng gọi cá voi mà gọi là cá Ông hoặc Ông Nam Hải, xây lăng thờ cúng gọi là Lăng Ông.

b. Ẩm thực

Ngoài bờ cát dài và vịnh biển xanh biếc, Nha Trang còn thu hút khách du lịch bởi nét ẩm thực riêng biệt cùng nguồn thực phẩm biển phong phú và tươi ngon. Đứng đầu các loại đặc sản là Yến sào, tổ một loài chim biển, một trong những món ăn cung đình đứng đầu trong bát trân kỳ bửu thường được dùng trong yến tiệc của vua chúa thời phong kiến. Ngày nay nước yến là một loại nước uống bổ dưỡng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tín nhiệm. Cùng với yến sào là trầm hương - một loại hương liệu, dược liệu quý hiếm từ cây dó bầu, giúp Khánh Hòa từ lâu được mệnh danh là "xứ trầm, biển yến".

Hai món ăn nổi tiếng và cũng là đặc sản không thể không nhắc đến khi nói về ẩm thực ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là món bún lá cá dầm và món nem. Đây là 2 món ăn được làm từ 2 nguyên liệu khác nhau - một món chế biến từ cá, một món được làm từ thịt. Khác với nơi khác, bún ở đây được làm từng khoanh tròn, to bằng lòng bàn tay, mỗi khoanh được đặt trên miếng lá chuối (nên gọi là bún lá) ăn vào vừa dai vừa ngọt, nước lèo thì vừa trong vừa ngọt đậm vị cá. Đi kèm với món bún là rau thái nhỏ trộn bắp chuối bào, thêm vài lát ớt xanh, món ăn có vị ngọt của cá, vị chát của chuối, vị cay nồng của ớt. Nem Ninh Hòa, gồm hai loại nem chua và nem nướng, có hương vị đặc biệt, cũng là một đặc sản nổi tiếng không thể bỏ qua, được làm từ thịt heo nạc và bì lợn. Thời gian ăn nem chua ngon nhất là 3 ngày sau khi gói. Khi ăn món này phải ăn kèm với tỏi tươi.

Ngoài ra, Khánh Hòa còn có rất nhiều các món ăn hấp dẫn khác được chế biến với hương vị rất riêng và đậm đà như: bún sứa, bún chả cá, nhum Khánh Hòa hay thưởng thức món thịt vịt Cầu Dứa với rượu nếp là gu ẩm thực đặc trưng của người dân Nha Trang.

Có thể nói, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa luôn luôn là sự lựa chọn của du khách trong những chuyến rong chơi và trong đó, danh tiếng ẩm thực của vùng đất này góp phần không nhỏ trong việc giữ chân du khách.

c. Làng nghề truyền thống

Khánh Hòa là tỉnh có khá nhiều nghề truyền thống được hình thành và tồn tại rất lâu. Hiện nay vẫn còn tồn tại và duy trì làng nghề đúc đồng trăm tuổi ở Phú Lộc Tây (huyện Diên Khánh) với các sản phẩm rất tinh xảo, hoàn mỹ; làng dệt chiếu Mỹ Trạch ở Ninh Hà (huyện Ninh Hòa) nổi tiếng bởi nguyên liệu bền tốt, kỹ thuật dệt cao và sản phẩm đẹp, chất lượng. Ngoài ra, trồng cói, dệt chiếu cũng là nghề truyền thống ở xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang. Trước kia nghề này phát triển khá mạnh, song bây giờ đã thu hẹp chỉ còn hơn 80 hộ sản xuất cầm chừng, tập trung vào những lúc nông nhàn do mẫu mã, chất lượng sản phẩm của làng nghề không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được sản xuất từ công nghệ hiện đại của một số nước trong khu vực và nghề làm bánh tráng ở Diên Khánh, tuy ra đời từ lâu nhưng cũng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Một số nghề khác như thảm dừa ở Cam Ranh hay đúc đồng ở Diên Khánh và một số hàng thủ công mỹ nghệ khác gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đặc biệt là nghề gốm truyền thống ở Vạn Bình, huyện Vạn Ninh nay không còn hoạt động mặc dù có sự quan tâm rất nhiều từ chính quyền địa phương. Nhìn chung, nghề truyền thống ở Khánh Hòa không những khó vực dậy, mà gần đây nhiều nghề còn mai một, thậm chí có nguy cơ bị triệt tiêu. Để giúp cho các nghề truyền thống ở Khánh Hòa tồn tại và phát triển luôn là điều trăn trở của các nhà quản lý địa phương.

Với sự phong phú di tích lịch sử văn hóa, có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, sự phong phú và đa dạng về vốn văn hóa phi vật thể, cùng với những lợi thế phát triển kinh tế sẽ góp phần vẽ nên bức tranh Khánh Hòa năng động và thịnh vượng trên vùng đất xinh đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và giàu tiềm năng này.

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp