Từ QL26 rẽ vào con đường đất cát nhỏ ngay bên cạnh trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Ninh Phụng), đi thêm hơn 200m là bến đò Hiệp Thạnh. Khi PV Báo Giao thông đến nơi cũng có vài hành khách đang chờ bè qua đón. Sau khi cất tiếng gọi, một người đàn ông từ trong ngôi nhà gần đó chạy ra, leo trên chiếc xe, kéo chiếc dây thừng từ từ di chuyển sang bên này sông đón khách.
Theo quan sát của PV, chiếc bè được kết từ khoảng hơn 10 chiếc phao nhựa nổi. Để sang sông, chủ bè thiết kế 2 hệ thống dây được cọc cố định ở 2 đầu bến, mỗi dây dài gần 100m. Dây dưới là dây thép gắn theo bè giúp bè không trôi lệch khỏi đường đi, dây trên là dây dù để bè đi. Khi khách đã lên bè ổn định chỗ, người kéo bè bám vào dây dù để kéo bè sang bờ bên kia.
Chủ bè là vợ chồng ông Phùng Xuân Trầm và bà Võ Thị Thu Thanh (ở thôn Hiệp Thạnh). Theo ông Trầm, gia đình có nhiều đời đưa khách sang sông. Trước đây chở bằng thuyền, khoảng những năm 90 mới nghĩ ra kết bè, ban đầu chỉ là bè tre rồi được kết từ phuy nhựa như hiện nay.
“Kéo bằng tay này mà bị ngược gió thì kéo rát cả tay luôn. Phải nhờ khách kéo phụ mới đi nổi. Mỗi lượt qua sông 2.000 đồng; học sinh chở miễn phí. Họ gọi giờ nào mình đi giờ đó. Nhiều hôm 2 - 3h sáng vẫn có người gọi qua sông, nhất là những lúc có người đau bệnh hay có việc cần qua gấp mình đều làm hết”, ông Trầm chia sẻ.
Theo người dân trong vùng, việc đi bè là phương án tối ưu nhất bởi chỉ cần qua con sông Cái là ra đến QL26, về đến trung tâm TX Ninh Hòa, trong khi đi đường vòng mất gần 5km.
“Nhiều lúc bè ra giữa dòng, gió giật mạnh, bè chao đảo cũng sợ lật lắm. Nhưng vì gần nên mình đi thôi. Những người già đi xe đạp hay học sinh gần như đi bằng bè cả chứ sao đạp 5 cây số đường vòng nổi”, ông Nguyễn Thành (thôn Hiệp Thành) cho biết.
Theo UBND xã Ninh Bình, hiện có 5 thôn trong xã nằm dọc bờ sông Cái với hơn 500 hộ sinh sống có nhu cầu đi lại ra QL26. Đặc biệt, hiện còn có thêm hàng trăm công nhân của các công ty, xí nghiệp, học sinh trong vùng nên việc đi lại qua bến đò bằng bè nổi tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Có thời gian, xã đã cấm hoạt động tuy nhiên trước nhu cầu đi lại của người dân nên hiện địa phương chỉ cho hoạt động của mùa nắng, đến mùa mưa lũ thì tạm dừng hoạt động.
Theo ông Phan Văn Dọn, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị, TX Ninh Hòa, trước nhu cầu đi lại của người dân, địa phương đã khảo sát, lập phương án xây dựng cầu. Hiện, UBND thị xã lựa chọn vị trí xây cầu từ QL26 (cổng làng thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân) đi vào sông Cái, qua sông Cái đi thôn Ngũ Mỹ (xã Ninh Xuân), nằm phía Đông thuộc hạ lưu đập dâng sông Cái. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, sau đó thị xã sẽ trình UBND tỉnh xem xét.