Về làng làm nhang, cảm vị Tết

Thứ năm - 16/01/2020 12:04
Những ngày này, nghề làm nhang ở thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại rộn ràng vụ Tết. Về đầu thôn, đã phảng phất mùi vị Tết trong gió.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Về làng làm nhang, cảm vị Tết

Những ngày này, nghề làm nhang ở thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lại rộn ràng vụ Tết. Về đầu thôn, đã phảng phất mùi vị Tết trong gió.


Rộn ràng làng làm nhang Tết


Về xã Ninh Bình, hễ thấy đến đâu có nhà phơi nhang trước sân, ngoài hè, là biết ngay đã về thôn Phong Ấp. “Nhang xa, hoa gần”, có lẽ thế nên từ ngoài đường, mùi nhang trầm, nhang quế đã nhẹ nhàng phảng phất trong gió níu chân khách đến chơi. Nghề làm nhang thì quanh năm, nhưng vào cuối năm, không khí làm việc càng rôm rả hơn. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất nhang đang hối hả trộn bột, se nhang để kịp cho những chuyến hàng Tết.

 

Những que nhang sau khi được phủ bột nhang lên  sẽ được mang đi phơi nắng.

Những que nhang sau khi được phủ bột nhang lên sẽ được mang đi phơi nắng.


Ghé vào nhà bà Lê Thị Lái, gia đình có truyền thống ba đời làm nhang, từ trước sân nhà, khách đến cũng phải rón rén đi vào, không cẩn thận lại đạp trúng hàng ngàn que nhang đang “tắm nắng” trước sân. Nắng tháng Chạp giòn giã, nhang làm xong phơi chỉ độ nửa ngày là khô, có thể mang vào đóng gói. Bên trong nhà, bà Lái cùng hai người khác làm liên hồi với những công đoạn làm nhang, phơi, rồi vào bì. Trò chuyện với chúng tôi, những người thợ làm nhang cho biết, để làm ra cây nhang không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Phần tăm nhang thường được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, phơi kỹ qua nắng, qua sương nhiều ngày để thật khô, thật giòn. Có vậy, khi đốt lên cây nhang sẽ cháy đều, cháy đến tận chân, và tàn nhang thì uốn cong mà không gãy ngang bất chợt. Tăm nhang đưa vào máy phóng để phủ bột nhang lên. Bột nhang thường được làm từ bột quế, bột trầm, bột bắc (một loại bột được nhập từ miền Bắc), trộn theo công thức nhất định với hỗn hợp keo để tạo độ kết dính. Sau khi phủ bột xong, những que nhang thơm ngát sẽ được đem phơi khô rồi đóng gói. Nhang phơi đủ nắng sẽ có mùi thơm, bảo quản được lâu, còn gặp mưa thì coi như hỏng. Công đoạn cuối cùng là vào bì, đóng gói rồi xuất đi các nơi. “Ngày trước, giao thông chưa thuận lợi, nhang làm ra chỉ bán loanh quanh thị xã, còn giờ đây, nhang chúng tôi làm ra xuất đi nhiều nơi khác như: Đắk Lắk, Đắk Nông. Rồi thi thoảng, những người ở nơi khác cũng biết tiếng ghé mua”, bà Lái chia sẻ.


Gần đó, xưởng sản xuất nhang của bà Nguyễn Thị Kim Hoa cũng nhộn nhịp không kém. Những ngày này, đơn đặt hàng nhiều hơn, có đơn tận TP. Hồ Chí Minh, nên mọi người làm mãi không hết việc; có ngày, gia đình bà xuất bán đến 1.000 bó nhang, còn trung bình chỉ đạt độ 400 đến 500 bó/ngày. Nhang xuất bán thường tính theo kg, giá nhang quế thấp nhất 25.000 đồng/kg, nhang bắc giá 50.000 đồng/kg, nhang trầm 100.000 đồng/kg.


Đi dọc những con đường ở thôn Phong Ấp, sắc đỏ của những khóm nhang phơi trên giàn cứ hút mắt người xem. Người trong thôn bảo, cứ thấy mấy nhà làm nhang bắt đầu làm nhiều, phơi cả ra ngoài đường là biết đã vào vụ Tết rồi.


Mai này ai giữ nghề


Trải qua nhiều thế hệ, nghề làm nhang ở Phong Ấp cũng có những bước chuyển mình. Cách đây độ 7 năm, khi chưa có sự hỗ trợ từ máy móc, muốn làm nhang, mọi công đoạn đều phải làm bằng tay. Ai khéo tay thì mới làm ra được cây nhang vừa tròn, đẹp. Những người làm được vậy cũng không nhiều, 10 người thì chỉ độ 2, 3 người có tay nghề khéo. Nhang bây giờ chủ yếu sản xuất bằng máy, vừa nhanh, vừa đều, đẹp. Họa hoằn, đôi khi có dăm vị khách du lịch nước ngoài tìm đến, một số nhà như bà Lái mới lấy đồ nghề ra biểu diễn lăn nhang bằng tay để quay phim, chụp ảnh. “Vì khách nước ngoài hay đến tìm hiểu về nghề thủ công, nên mình làm tay người ta mới chịu, chứ làm máy thì lại bình thường quá”, bà Lái nói.

 

Được phơi nắng, độ nửa ngày những que nhang sẽ khô lại,  có hương thơm.

Được phơi nắng, độ nửa ngày những que nhang sẽ khô lại, có hương thơm.


Điều đáng nói, nhiều năm trôi qua vậy, vật giá đều tăng, vậy mà giá nhang vẫn không đổi. Có lẽ vì vậy, những người làm nhang cũng dần rơi rớt. Ngày trước, thôn Phong Ấp có gần 20 hộ làm nhang, đến nay chỉ còn khoảng 5, 6 hộ. Bà Phạm Thị Điệp, người làm nhang ở Phong Ấp bộc bạch, thu nhập của người làm nhang thực ra cũng chỉ đủ ăn, có khi còn chật vật. Với người làm thuê như bà, làm nhiều lắm cũng chỉ được 70.000 đến 80.000 đồng/ngày. Vì vậy, người còn làm nghề này cũng chỉ là phụ nữ không còn sức lao động để làm nghề khác, lớp trẻ sau này cũng không mặn mà. Như gia đình bà Lái, có 3 người con gái, cũng chưa thuyết phục được ai kế tục nghề nhang để giữ được truyền thống gia đình.


Ông Đặng Văn Nhuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Bình cho biết, qua nhiều năm, nghề làm nhang truyền thống ở thôn Phong Ấp cũng dần bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế không còn cao. Địa phương cũng khuyến khích, động viên các hộ giữ nghề bằng các chính sách cho vay vốn hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, để giữ nghề nhang, cái quan trọng không phải kinh tế mà phụ thuộc phần lớn vào con người. “Nghề nhang để làm được cũng cần cái tâm, vì vậy, có nhiều nơi khác cũng học theo thôn Phong Ấp làm nhang nhưng cũng không thể bằng. Với thời đại phát triển như hiện nay, để phát triển nghề là bài toán khó, nhưng với những gia đình còn duy trì đến nay, địa phương vẫn tiếp tục động viên, hỗ trợ để giữ được nghề mang nét văn hóa tâm linh này”, ông Nhuận nói.


V.THÀNH

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp