Nông dân cải tiến máy tuốt đậu phộng

Thứ tư - 20/11/2019 11:54
Ông Lưu Quang Trương (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2018 - 2019) với sáng kiến cải tiến máy tuốt đậu phộng. Đây là lần thứ 3 ông Trương đoạt giải.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nông dân cải tiến máy tuốt đậu phộng

Ông Lưu Quang Trương (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2018 - 2019) với sáng kiến cải tiến máy tuốt đậu phộng. Đây là lần thứ 3 ông Trương đoạt giải.


Hoàn thành trong 20 ngày


Những năm gần đây, trên địa bàn xã Cam An Nam và các xã lân cận, việc chuyển đổi, luân canh cây trồng trên đất mía phát triển mạnh, chủ lực là cây đậu phộng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với người trồng đậu là mất nhiều công lao động để lặt đậu. Trong khi đó, trên thị trường có bán nhiều loại máy tuốt đậu nhưng giá thành cao. Chính vì vậy, ông Trương đã nghiên cứu, cải tiến máy tuốt đậu để giúp nông dân.

 

Máy tuốt đậu phộng của ông Lưu Quang Trương.

Máy tuốt đậu phộng của ông Lưu Quang Trương.


Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, cải tiến các loại máy móc, ông chỉ mất 20 ngày để hoàn thành máy tuốt đậu. Theo ông, hiện nay, trên mạng có quảng cáo máy tuốt đậu nhưng chỉ có 3 thanh sắt làm trụ tuốt nên rất nguy hiểm cho tay người thao tác. Bên cạnh đó, máy dùng cây sắt làm dây tuốt nên tuốt đậu không sạch. Máy do ông cải tiến có một số bộ phận chủ yếu như: khung sườn, trục tuốt, trụ tuốt, khoen tuốt, đặc biệt là dây tuốt làm bằng 12 dây cước, nơi củ đậu tiếp xúc trực tiếp và được bứt ra. Ngoài ra, máy còn có bầu thổi rác, cánh quạt, máng hứng đậu, sử dụng động cơ điện hay máy nổ... Máy có chiều dài trục tuốt 1,2m nên làm việc tốt hơn. Năng suất máy cải tiến cao gấp 3 lần máy rao bán trên mạng.


Máy tuốt do ông Trương cải tiến có khả năng tuốt được 1,2 - 1,5 tấn đậu/8 giờ. Hạt đậu không bị vỡ, tỷ lệ sạch đạt 98%. Máy có kích thước gọn nhẹ, dễ vận chuyển, tháo lắp, sửa chữa, tận dụng được vật liệu từ phế liệu địa phương nên giá thành thấp, chỉ 4 triệu đồng/máy (máy rao bán trên mạng có giá từ 6,5 đến 9 triệu đồng/chiếc); năng suất lao động gấp 10 lần so với lao động thủ công.


Thời gian qua, ông Trương đã cải tiến được 5 máy, trong đó có 4 máy đang phục vụ tại các cánh đồng Cam An Nam và một số nơi tại Cam Lâm, Cam Ranh vào mùa thu hoạch đậu. Theo tính toán, máy cải tiến giảm được 2/3 chi phí tiền và công lao động, tương đương 5 công và 1,3 triệu đồng/1.000m2.


“Cây” sáng chế

 

Bà Triệu Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam: Ông Trương tuy là nông dân nhưng rất am hiểu về cơ khí, ông đã có nhiều cải tiến có giá trị phục vụ công việc của nhà nông. Gia đình ông là gia đình văn hóa, có nhiều đóng góp cho hoạt động hội và chính quyền địa phương.

Được biết, ông Trương chỉ mới học hết lớp 3 nhưng lại có năng khiếu về cơ khí. Lớn lên, ông làm việc cho một xưởng cơ khí tại Mỹ Ca (TP. Cam Ranh), thường xuyên làm việc với máy móc nên rất vững về nguyên lý máy độ chế nhiều cải tiến khiến nhiều người thán phục.


Thời gian qua, ông đã cải tiến rất nhiều máy, như: Cối nhồi đường kết tinh; máy cày tay bằng bánh xe đạp; máy hút đường dùng lưỡi khoan xoắn; con đội đá; máy cày sử dụng máy nổ động cơ Honda; máy phát cỏ kết hợp xới cỏ; máy ép dầu bằng tay sau cải tiến ép bằng máy; máy tuốt đậu... Đặc biệt, các máy móc cải tiến đều có giá thành rẻ, tận dụng vật liệu cũ, nâng cao công năng so với máy móc cùng loại bán trên thị trường mà lại gần gũi với các hoạt động nhà nông. Đến nay, ông đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh 3 lần, trong đó 2 lần đạt giải khuyến khích, 1 lần đạt giải ba.


V.L
    


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp