Nhặt rác nơi đáy biển

Thứ ba - 04/05/2021 10:58
Chứng kiến các sinh vật biển đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi các loại rác thải, những bạn trẻ mang trong mình tình yêu đại dương xanh đã tự phát động phong trào nhặt rác dưới đáy biển. Hoạt động ý nghĩa này đã được duy trì nhiều năm, ngày càng có nhiều thành viên tham gia. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nhặt rác nơi đáy biển

Chứng kiến các sinh vật biển đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi các loại rác thải, những bạn trẻ mang trong mình tình yêu đại dương xanh đã tự phát động phong trào nhặt rác dưới đáy biển. Hoạt động ý nghĩa này đã được duy trì nhiều năm, ngày càng có nhiều thành viên tham gia.


5 năm âm thầm nhặt rác


Anh Nguyễn Văn Đức - huấn luyện viên lặn biển của Công ty Rainbow Divers (TP. Nha Trang) là người khởi xướng hoạt động nhặt rác dưới đáy biển từ năm 2006, khi anh chứng kiến khu rạn san hô và nhiều loài sinh vật biển bị rác thải vướng vào rồi chết. Không chỉ vậy, anh còn đưa hoạt động này vào các khóa dạy lặn biển cho học viên. Anh Đức chia sẻ: “Trong mỗi khóa học, sau khi hoàn tất kỹ năng cho học viên, chúng tôi đều tổ chức hoạt động nhặt rác dưới biển để mọi người nhìn thấy thực tế và nhận thức để cùng hành động, đưa ra các thông điệp bảo vệ môi trường biển. Khác với trên bờ - rác nằm yên một chỗ, còn rác ở dưới biển trôi theo nước nên rất khó để nhặt. Do đó, đòi hỏi các thợ lặn phải có kỹ năng, sức khỏe và chịu được áp lực của nước. Rác được thu gom lên sẽ được đưa về cảng và chuyển về các địa điểm xử lý rác trên đất liền”. Đến nay, học viên của anh Đức đã có hơn 500 người và phần lớn đều thường xuyên tham gia hoạt động nhặt rác dưới biển.

 

Các thành viên Câu lạc bộ Viet Divers lặn biển nhặt rác ở vịnh Nha Trang.

Các thành viên Câu lạc bộ Viet Divers lặn biển nhặt rác ở vịnh Nha Trang.


Khởi động từ năm 2013, nhóm lặn biển của Câu lạc bộ (CLB) Viet Divers ở TP. Hồ Chí Minh thu hút rất đông bạn trẻ tham gia hoạt động nhặt rác dưới biển ở nhiều nơi trên các vùng biển Việt Nam như: Nha Trang, Cù Lao Chàm, Côn Đảo... Bạn Tô Thị Diệu Thúy - thành viên CLB Viet Divers cho biết, trong các chuyến lặn, các bạn đã thu được rất nhiều bao rác đủ loại từ túi đựng thức ăn, chai, hộp, can nhựa, mảnh lưới, dây cước, ống hút...


Hiện nay, đối tượng đi lặn trải rộng ở nhiều lứa tuổi nhưng tập trung nhiều ở các bạn trẻ. Để tham gia hoạt động này, các bạn phải tự bỏ tiền túi cho các khoản chi phí cá nhân như: Tàu xe đi lại, di chuyển, ăn ở... Tuy nhiên, vì yêu biển, yêu bộ môn lặn, muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường biển đến nhiều người, nhiều nơi, các bạn không quản ngại khó khăn mà nhiệt tình hưởng ứng.


Lan truyền cảm hứng


Được biết, để tuyên truyền lan tỏa hoạt động lặn biển nhặt rác, trong các chuyến lặn biển, các thành viên của CLB Viet Divers và Công ty Rainbow Divers đều chụp hình, quay phim về thực trạng rác thải ở đại dương rồi đưa lên mạng xã hội. Các bức ảnh, thước phim nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè trên khắp cả nước về hành động đẹp này.


PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học chia sẻ: “Tôi có biết phong trào lặn biển nhặt rác của các bạn trẻ, các CLB lặn biển. Đây là hành động rất đáng hoan nghênh, khuyến khích. Việc làm của các bạn có tác động lớn đến việc tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức về tác hại rác thải và ngừng xả rác xuống biển”.


Theo bà Lê Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, các chất ô nhiễm có nguồn gốc đất liền thải ra biển được đánh giá là khoảng 60 - 70% tổng tải lượng chất ô nhiễm. Còn lại là các nguồn gốc từ biển do các hoạt động trực tiếp trên biển như tàu, thuyền vận tải, khai thác hải sản, du lịch và các hoạt động của ngư dân, khách du lịch tham quan trên biển. Do đó, bảo vệ môi trường biển và phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi cơ quan, doanh nghiệp và người dân.


THÁI THỊNH

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp