Mùa đót nở bông

Thứ ba - 31/01/2023 13:42
Hiện đang là mùa đót nở bông nên nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi trong tỉnh, như: Ninh Tây, Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), Sơn Thái, Liên Sang, Giang Ly, Khánh Thượng… (huyện Khánh Vĩnh) lại lên rừng hái đót. Loại lâm sản phụ này đã mang lại một phần thu nhập cho người dân.     Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mùa đót nở bông

Hiện đang là mùa đót nở bông nên nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi trong tỉnh, như: Ninh Tây, Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), Sơn Thái, Liên Sang, Giang Ly, Khánh Thượng… (huyện Khánh Vĩnh) lại lên rừng hái đót. Loại lâm sản phụ này đã mang lại một phần thu nhập cho người dân.


Thu hái lộc rừng


Những ngày gần đây, bông đót đã nở trên khắp các sườn đồi, khe suối ven đèo Phượng Hoàng, đường lên thủy điện Ea Krong Rou nên nhiều người dân ở xã Ninh Tây, Ninh Sim lại rủ nhau lên rừng thu hái đót. Tầm 6 giờ 30 sáng, cha con ông Cao Hùng (thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây) đã tìm đến núi Mỏ Quạ, Suối Tre dọc tuyến đường đèo Phượng Hoàng để tìm loại lộc rừng này. Ông Cao Hùng chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến độ sau Tết Nguyên đán là mùa đót nở bông, mùa đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ninh Tây đi tìm loại lâm sản phụ này về bán cho các cơ sở thu mua đót ở xã Ninh Tây, Ninh Sim. Tuy công việc đi rừng hái đót có phần vất vả bởi phải len lỏi khắp núi rừng, khe suối nhưng bù lại chúng tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Ở Ninh Tây, Ninh Sim có hàng trăm người đi rừng hái đót, trung bình một buổi kiếm được 30-35kg đót tươi, bán với giá 7.000 đồng/kg, mỗi người cũng kiếm được 210.000 - 250.000 đồng”.

 

Sau Tết cây đót đã mang lại thêm nguồn thu nhập cho ông Cao Hùng (thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây).

Sau Tết cây đót đã mang lại thêm nguồn thu nhập cho ông Cao Hùng (thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây).

 
Tương tự, những ngày gần đây, người dân ở các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh cũng đi khắp các cánh rừng ven đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, các khu vực Gia Ngóe (xã Liên Sang), Đa Rao (xã Khánh Thượng)… để tìm hái đót rừng. Bà Cà Liên ở thôn Bố Lang (xã Sơn Thái) chia sẻ: “Đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, mùa nào thức ấy, tháng Chạp thì đi rừng bẻ măng bán cho cơ sở làm măng khô, tháng Giêng thì lại đi rừng hái đót, tháng Ba thì đi rừng tìm mật ong; lúc hái nấm linh chi, khi nhặt ươi, chặt mây… Những lúc đi rừng, chúng tôi thường để ý xem vùng nào có nhiều cây đót để đến mùa đót nở bông lại đi thu hái. Năm nay, do mùa đót nở gặp lúc thời tiết có mưa nên thu hái không được nhiều như những năm trước, mỗi ngày đi rừng chỉ kiếm được tầm 20-25kg/người, thu nhập khoảng 200.000 đồng/người, giảm gần 50% so với những mùa đót trước. Tuy nhiên, nguồn lợi từ rừng đã giúp chúng tôi trang trải được một phần gạo, muối hàng ngày”.


Cải thiện thu nhập


Ghé thăm cơ sở thu mua đót của gia đình ông Lê Tuấn Linh ở thôn Xóm Mới, chúng tôi thấy vợ chồng ông đang tranh thủ trời nắng đưa đót ra phơi để dành nguyên liệu làm chổi. Ông Linh cho hay, năm nay, mùa đót đến sớm nên từ sau Tết người dân địa phương đã đi rừng thu hái mang về bán. Mùa đót thường kéo dài trong tầm 30-40 ngày nên người dân địa phương đang tận dụng khoảng thời gian nắng ráo hiện nay để đi rừng hái đót. Tính khoảng 5 ngày gần đây, gia đình ông đã thu mua được gần 0,8 tấn đót tươi, phơi được hơn 250kg đót khô. Ở Ninh Tây, Ninh Sim có gần 10 cơ sở thu mua đót để làm chổi, lượng đót thu mua từ sau Tết Nguyên đán đến nay cũng tầm 0,5-0,7 tấn/cơ sở.


Ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết: “Ninh Tây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của thị xã Ninh Hòa. Hàng năm, cứ vào mùa đót, người dân địa phương lại đi thu hái để góp phần cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, diện tích đót ngoài tự nhiên ngày càng thu hẹp do người dân tập trung trồng rừng sản xuất nên sản lượng đót thu hái được hàng năm giảm. Vì vậy, địa phương luôn tuyên truyền người dân bên cạnh việc tận thu lộc rừng, cần gìn giữ, bảo vệ rừng để rừng cho lộc bền vững. Đối với việc thu mua đót nguyên liệu của các cơ sở làm chổi đót, ngoài thu mua lại từ người đi rừng, các cơ sở còn thu mua từ người trồng đót ở huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch đưa xuống bán. 

 
Ông Phạm Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thái xác nhận: “Năm nay các xã cánh tây huyện Khánh Vĩnh mất mùa đót, sản lượng dự kiến giảm khoảng 50% so với năm trước, nguyên nhân do diện tích đót tự nhiên ngày càng thu hẹp, bởi người dân tập trung trồng keo; một phần là do thời tiết mưa nhiều nên đót bị hư không thu hái được. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở thu mua đót nguyên liệu, từ đầu vụ đót đến nay đã thu được hơn 1 tấn; tính chung các xã cánh tây của huyện Khánh Vĩnh có khoảng 10 điểm thu mua ở các cửa rừng, mỗi điểm đã thu mua được khoảng 0,5 tấn đót tươi. Đót tươi thu mua ở Khánh Vĩnh sẽ được phơi khô để bán lại cho các cơ sở làm chổi đót ở Diên Khánh, Nha Trang, Ninh Hòa… Cây đót là một trong những loại lâm sản phụ mang lại thu nhập cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương sau Tết”.


HẢI LĂNG

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp