Hương vị quê nhà: Mùa bắt lịch trên sông

Thứ sáu - 13/08/2021 12:13
Là người miền Trung, nếu sống bên các dòng sông, chẳng mấy ai lại không biết con lịch. Cũng thuộc loại da trơn giống như con lươn, con chình, nhưng lịch có thân hình nhỏ hơn, con to nhất chỉ bằng ngón tay út và dài nhất chỉ hơn 2 gang tay. Đó là con vật đã đi vào ca dao như: "Con lươn, con lịch, con chình/Ba con dưới nước cái mình trơn lu". Ca dao nói về món ngon ở miền Trung cũng có câu: "Lịch mà xào với măng tre/Nếu là dân nhậu mới nghe đã thèm". Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Là người miền Trung, nếu sống bên các dòng sông, chẳng mấy ai lại không biết con lịch. Cũng thuộc loại da trơn giống như con lươn, con chình, nhưng lịch có thân hình nhỏ hơn, con to nhất chỉ bằng ngón tay út và dài nhất chỉ hơn 2 gang tay. Đó là con vật đã đi vào ca dao như: “Con lươn, con lịch, con chình/Ba con dưới nước cái mình trơn lu”. Ca dao nói về món ngon ở miền Trung cũng có câu: “Lịch mà xào với măng tre/Nếu là dân nhậu mới nghe đã thèm”.


Lịch chỉ sống ở sông suối, có loại ở vùng nước lợ, cũng có loại sống ở nước ngọt. Vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 âm lịch, ở quê tôi đó là mùa bắt lịch nước ngọt (gọi là lịch cát) trên sông Cái. Thông thường hàng năm, khi hết mùa mưa lụt, trời bắt đầu nắng ấm, những con lịch mẹ bắt đầu tìm hang hốc để đẻ trứng, sau đó đám lịch con ra đời, tự bơi lội tìm thức ăn dưới lòng sông. Tới hè thì đám lịch nhỏ ngày nào đã trưởng thành, con nào con nấy vàng óng, đầy thịt. Lúc này, dòng sông cạn dần, thế là người ta rủ nhau đi bắt lịch.


Bắt lịch không khó. Ở quê tôi nhà nào cũng sắm một hoặc vài cái cào. Lưỡi cào được làm bằng thép, có hình dáng giống như cái móc để khoèo đồ vật, có khe dài, ngoài rộng trong hẹp dần lại, được cắm chặt vào cái cán tre nhỏ, dài hơn sải tay. Để bắt được lịch, mọi người phải lội ra giữa dòng sông cạn, rồi đưa cào xuống, cào mạnh từng đường. Thế là những con lịch giấu mình dưới cát hay lớp mùn đất bị mắc vào lưỡi cào. Khi phát hiện, người cào phải nhanh chóng đưa lưỡi cào lên, áp sát vào miệng cái giỏ tre để bắt, vì lịch rất trơn.


Nhớ hồi còn bé, tôi và những đứa nhỏ khác hay theo cha và các chú trong xóm đi cào lịch. Vui lắm! Dạo đó chưa có phao nhựa như bây giờ, nên khi cầm cào xuống sông, người ta hay mang theo mấy đoạn thân cây chuối, kết lại với nhau thành cái bè, trên đó để cái giỏ tre đựng lịch cho khỏi rơi. Những cái bè nhỏ cứ bập bềnh bên cạnh những cái cào đưa lên, đưa xuống. Cả khúc sông rộn lên tiếng nói cười. Đám trẻ con đứa nào cũng reo hò khi nhìn thấy những con lịch uốn cong người, vùng vẫy lúc bị đưa lên khỏi mặt nước.


Lịch là món ăn ngon và bổ dưỡng. Thịt lịch thơm hơn thịt lươn. Người quê tôi chế biến khá nhiều món ăn từ lịch như: nấu cháo, om với chuối xanh, cà dĩa hay chiên giòn… Nhưng với tôi, có lẽ ngon nhất là món lịch xào với măng tre, nhất là măng tre đã ngâm chua. Chính vì vậy mới có chuyện món này “mới nghe đã thèm”.


Đang mùa chống dịch Covid-19, muốn về thăm quê lắm nhưng đâu đi được. Hôm qua, từ Nha Trang, gọi điện thoại cho chị ruột ngoài quê, chị vui mừng báo tin cả nhà vẫn an lành. Rồi hình như chợt nhớ tôi thích món lịch, chị bảo: Trời ơi, cậu không về được, tiếc quá! Năm nay, ở quê mình trúng mùa lịch cát, người ta cào được nhiều lắm cậu à…


Hoàng Nhật Tuyên

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp