Theo sự phát triển của xã hội, nghề làm bánh cũng có những thay đổi thức thời, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều người tâm huyết, lặng lẽ gìn giữ nét đẹp của nghề làm bánh truyền thống…
Nghề gia truyền
Chị Trần Thị Bích Chiên (36 tuổi, tổ 3 Phước Thành, phường Phước Long, TP. Nha Trang) là một trong những người dành nhiều tâm huyết để làm các loại bánh dân gian, đặc biệt là bánh chưng, bánh ít. Chị Chiên chia sẻ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có gần 30 năm làm bánh chưng, chị ý thức được những giá trị tinh túy của ẩm thực dân tộc. Do đó, chị đã lấy tên mẹ mình đặt cho thương hiệu bánh chưng gia truyền “Bà Chiến”.
Chị Chiên cho biết, mỗi chiếc bánh đều tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng khâu chọn nguyên liệu, gói, luộc, bảo quản. Lá dong do người dân Thanh Hóa đi rừng cắt gửi vào; nếp Bắc và đậu xanh được lựa chọn loại đặc biệt để giúp bánh dẻo, thơm; nhân thịt heo phải là loại heo đen nuôi bằng nước cơm. Bánh chưng sau khi luộc xong vớt ra ép nước từ 3 đến 5 giờ rồi cho vào túi hút chân không… Sản phẩm bánh chưng mang thương hiệu “Bà Chiến” được nhiều người đánh giá thơm ngon, mang đậm hương vị miền Bắc. “Gia đình tôi bắt đầu làm hàng Tết từ rằm tháng Chạp. Bánh làm xong được tiểu thương ở các chợ trên địa bàn tỉnh mua và bán lại. Năm nay, nguồn nguyên liệu làm bánh phong phú nên giá bánh chưng không tăng so với mọi năm, dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/chiếc tùy loại”, chị Chiên cho biết.
Tuy đã 63 tuổi nhưng bà Trương Thị Loan (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) vẫn rành rọt với nghề làm bánh ít, phần vì đây là nguồn kinh tế nuôi sống gia đình, phần vì món bánh này là món truyền thống của quê hương Bình Định nơi bà lớn lên. Bà luôn cố gắng giữ gìn hương vị và hi vọng nghề làm bánh ít truyền thống của gia đình ngày càng phát triển. Bà Loan chia sẻ, gia đình bà 3 đời làm bánh ít, gồm bánh ít mặn (tôm, thịt) và bánh ít lá gai. Tuy đây là loại bánh đặc sản của vùng đất Bình Định, nhưng do hình dáng giống như tháp chàm rất đẹp mắt nên nhiều năm trở lại đây, món bánh này dần trở thành quen thuộc trong những ngày Tết ở nhiều địa phương. Những ngày bình thường, gia đình bà làm từ 300 đến 500 cái, giá 5.000 - 6.000 đồng/cái. Những ngày tháng Chạp, cả nhà hơn 10 người tập trung để làm hàng Tết, mỗi ngày hơn 700 cái, bỏ sỉ ở các chợ, cửa hàng và bán lẻ cho các hộ gia đình đặt để thờ cúng ông bà. “Bánh này ngày thường cũng như ngày Tết nên không tăng bao nhiêu, tuỳ thuộc vào giá nguyên liệu. Mỗi năm chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng/chiếc nhưng chất lượng không đổi”, bà Loan cho biết.
Nét văn hóa ẩm thực dân tộc
Gia đình bà Lê Thị Ngọc Phượng (65 tuổi, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) có nhiều đời làm bánh chưng. Bánh của gia đình bà được nhiều người biết đến, người này ăn thấy ngon lại truyền tai người kia. Theo bà Phượng, để làm nên chiếc bánh chưng, từng chiếc lá xanh được chắp ghép với nhau, đỗ thịt xếp đặt trong lớp gạo nếp, gói xong còn luộc nhiều giờ để cho ra chiếc bánh vuông vức, hấp dẫn. Bánh của bà Phượng làm ra thường bỏ sỉ, số lượng lớn. Cả ngày bà mải miết làm bánh, nếu mệt thì nghỉ ngơi một lát rồi lại tiếp tục công việc. “Ngày nào không làm bánh, không được hít hà mùi lá chuối, mùi nếp là thấy trống vắng. Vậy nên, vợ chồng tôi hầu như sắp xếp những công việc khác sau việc làm bánh”, bà Phượng trải lòng.
Chị Võ Thị Tuyết Lam (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) gắn với nghề làm bánh bông lan, bánh thuẫn, bánh quy bơ, bánh in truyền thống của gia đình từ thời còn nhỏ. Chị Lam cho rằng, văn hóa ẩm thực dân tộc không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn là quốc hồn quốc túy của người Việt. “Tôi tiếp tục gìn giữ nghề làm bánh truyền thống của gia đình và tích cực giới thiệu hình ảnh những loại bánh này đến nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh”, chị Lam bộc bạch.
Ngày trước, các loại bánh truyền thống chủ yếu phục vụ gia đình, đãi bè bạn vào các dịp lễ, Tết, hoặc làm quà biếu khách phương xa. Ngày nay, thị trường dù có đa dạng các loại bánh, nhưng các loại bánh truyền thống vẫn giữ hương vị đậm đà vốn có, đáp ứng nhu cầu của thực khách.
THANH TRÚC