Đi "chợ online" theo cụm dân cư

Thứ sáu - 06/08/2021 12:23
Trong bối cảnh chợ truyền thống và một số siêu thị ở TP. Nha Trang phải đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19, trên các diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt "chợ online" mở ra. Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu mua hàng thiết yếu của người dân trong điều kiện hạn chế tiếp xúc đông người. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đi "chợ online" theo cụm dân cư

Trong bối cảnh chợ truyền thống và một số siêu thị ở TP. Nha Trang phải đóng cửa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19, trên các diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt “chợ online” mở ra. Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu mua hàng thiết yếu của người dân trong điều kiện hạn chế tiếp xúc đông người.


Từ giữa tháng 7, thấy tình hình dịch ở các chợ truyền thống, siêu thị nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nên chị Phạm Thị Chung (trú phường Phương Sài, TP. Nha Trang) chuyển sang mua hàng online. Tuy nhiên, khi đặt hàng qua hệ thống siêu thị, chị chờ cả tuần cũng không thấy hàng được giao. Chị lên các diễn đàn tìm kiếm thì thấy có nhóm “chợ online” bán đầy đủ các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm ngay trong khu mình ở. Chọn các món cần, nhắn tin cho người bán, chỉ 2 giờ sau, hàng được đưa đến tận nhà, còn tiền chị chuyển khoản, cả người bán và người mua không cần phải tiếp xúc trực tiếp.

 

Tìm mua hàng tại “chợ online” chung cư CT6 Vĩnh Điềm Trung.

Tìm mua hàng tại “chợ online” chung cư CT6 Vĩnh Điềm Trung.


Chị Nguyễn Thị Hà (trú xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) cũng lên diễn đàn “chợ online” trong khu chung cư để mua các mặt hàng thiết yếu. “Các trang mạng xã hội như: Rau Đà Lạt CT 1, 2, 4, 5, 6, 7; chung cư CT 5, 6, 7 Vĩnh Điềm Trung… được lập ra để ai có gì thì bán đó. Từ rau củ quả, thịt, cá... đến các mặt hàng tiêu dùng đều được bán. Dù không phong phú, đầy đủ như chợ hay siêu thị, giá cả có cao hơn một chút so với ngày thường nhưng ai cũng mừng vì có chỗ mua lúc giãn cách. Tất cả chỉ bán trong khu chung cư quanh đây nên hàng đưa đến trước cửa nhà, hay để ngay bàn ngoài cổng bảo vệ chung cư rồi người mua xuống lấy nên cũng thuận tiện”, chị Hà cho biết.


Thực ra, các diễn đàn mua bán online lâu nay vẫn hoạt động rôm rả, khi dịch Covid-19 bùng phát, hình thức mua bán này nở rộ hơn. Với lợi thế hạn chế đến nơi đông người, người bán giao hàng tận nơi nên nhiều người bán hàng lập thêm trang để kéo những người khác vào cùng mua bán, đa dạng nguồn hàng, nguồn khách. Các fanpage có số lượng đông người theo dõi cũng mở thêm kênh “chợ online” để đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, từ khi xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 tại các chợ, siêu thị, hệ thống bách hóa, cửa hàng, đội ngũ chuyển hàng trung gian bị hạn chế hoạt động thì các “chợ online” chuyển sang hình thức họp nhóm nhỏ theo từng khu vực, cụm dân cư, khu đô thị để tiện giao nhận hàng.

 


Chị Nguyễn Mai Thanh (trú Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung) mới tham gia bán hàng rau củ quả, trái cây online trên trang “Chung cư CT5, CT6, CT7 Vĩnh Điềm Trung” chia sẻ: “Trước đây, tôi mở hệ thống quán bán trà, do dịch bùng phát nên đóng cửa 2 năm nay. Đợt dịch này, người dân ở khu chung cư đi chợ, siêu thị khó khăn, nguy hiểm nên tôi nhờ người nhà gom rau củ quả, trái cây ở Gia Lai gửi xuống để nhà có thức ăn, vừa bán online cho người dân trong khu chung cư. Để lấy được hàng, tôi phải thường xuyên đi xét nghiệm, xác nhận âm tính mới đi qua được các chốt phòng dịch”.


Tại các khu dân cư trên địa bàn phường Phước Long, Phước Hải..., các nhóm chợ trên trang Facebook, Zalo những ngày qua khá xôm tụ. Trên trang “Group dân nhà ở xã hội VCN Phước Long 2” có tới hơn 3.000 thành viên. Đến nay, rất đông người dân đã chọn đi chợ trên nhóm này để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.


Có thể nói, mua bán online theo cụm dân cư lúc này là cách thích ứng của người dân trong ngày dịch, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong những ngày giãn cách. Tuy nhiên, đi “chợ online” cũng không tránh khỏi những bất cập như hàng không tươi ngon, không được giao hàng đúng hẹn, giao hàng không đủ số lượng, giá cao, nguồn hàng không phong phú... Đặc biệt, vấn đề ý thức phòng, chống dịch của người bán và người mua lại tùy thuộc vào mỗi người nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Vì thế, mỗi tòa nhà chung cư cần lập ra tổ tự quản để quản lý các “chợ online” chặt chẽ, vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân.


Thành Long

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp