Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Từ ngày 1-7, giáo viên chưa bị cắt phụ cấp thâm niên

Thứ sáu - 03/07/2020 14:50
Nhiều giáo viên băn khoăn khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1-7), giáo viên có còn được hưởng phụ cấp thâm niên? Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ về vấn đề này. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Từ ngày 1-7, giáo viên chưa bị cắt phụ cấp thâm niên

Nhiều giáo viên (GV) băn khoăn khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1-7), GV có còn được hưởng phụ cấp thâm niên? Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ về vấn đề này.


- Xin bà cho biết, quy định về tiền lương, phụ cấp của GV theo Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009?

 


- Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Điều 2 Nghị định 54/2011 của Chính phủ quy định, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục từ đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1% nữa.


- Vậy Luật Giáo dục năm 2019 thay đổi gì trong quy định về tiền lương, phụ cấp của GV so với Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, thưa bà?


- Luật Giáo dục năm 2019 có nhiều sửa đổi, bổ sung, trong đó có vấn đề tiền lương, phụ cấp thâm niên của GV. Cụ thể, Điều 76 của luật quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Vị trí việc làm được giải thích tại Điều 7 Luật Viên chức: Đây là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý.


Việc xếp lương “phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp” là quy định hoàn toàn mới. Cụ thể, theo Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, thu nhập GV được tính bằng tiền lương theo hệ số + phụ cấp ưu đãi theo nghề + phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác (nếu có). Còn theo Luật Giáo dục năm 2019, thu nhập GV được tính bằng tiền lương theo vị trí việc làm + phụ cấp đặc thù nghề. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là: Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề; gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước dành cho ngành giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát… GV sẽ được xếp lương dựa vào kết quả, tính chất phức tạp của công việc từng người mà không phải xếp theo cách “cào bằng” như hiện nay.


Để thực hiện chế độ tiền lương mới của GV theo Luật Giáo dục 2019, cần xây dựng được các bảng lương mới theo vị trí việc làm (không sử dụng lương cơ sở và hệ số lương quy định tại Nghị định 204/2004 của Chính phủ); đồng thời xây dựng được quy định về phụ cấp đặc thù nghề khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo Nghị quyết 27/2018. Tuy nhiên, đến ngày 15-6, các bảng lương mới theo vị trí việc làm và việc sắp xếp lại các loại phụ cấp mới ở giai đoạn lấy ý kiến của cơ quan, ban, ngành (chưa đưa ra dự thảo để lấy ý kiến người dân). Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quốc hội đã chính thức đồng ý với đề xuất của Chính phủ, chưa điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1-7.


Như vậy, do tạm chưa tăng lương cơ sở, phụ cấp thâm niên cũng chưa bị cắt từ thời điểm ngày 1-7; GV vẫn hưởng lương theo hệ số tính trên mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng cho đến khi có quyết định mới.


- Xin cảm ơn bà!


NGUYỄN VŨ (Thực hiện)
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp