Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Quản lý hoạt động thương mại điện tử: Còn nhiều khó khăn

Thứ năm - 04/06/2020 13:01
Thời gian qua, hoạt động giao dịch điện tử trong lĩnh vực công thương được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động này còn gặp một số khó khăn, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Quản lý hoạt động thương mại điện tử: Còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, hoạt động giao dịch điện tử trong lĩnh vực công thương được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động này còn gặp một số khó khăn, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).


Đa dạng các hoạt động


Theo Sở Công Thương, từ năm 2006 đến nay, sở đã triển khai nhiều hoạt động thi hành Luật Giao dịch điện tử trong lĩnh vực công thương. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động quản lý nhà nước bằng phương tiện điện tử; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020; hỗ trợ xây dựng website cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, phối hợp phát triển các hoạt động thanh toán qua hình thức điện tử tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh; xây dựng sàn giao dịch TMĐT theo mô hình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và cho phép bán lẻ…

 

Sàn thương mại điện tử Khánh Hòa  (địa chỉ: http://khanhhoatrade.gov.vn)  với mô hình kết nối giao thương  giữa các doanh nghiệp và cho phép bán lẻ.

Sàn thương mại điện tử Khánh Hòa (địa chỉ: http://khanhhoatrade.gov.vn) với mô hình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và cho phép bán lẻ.


Hiện nay, Khánh Hòa có 1 sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, 187 website bán hàng của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thông báo và được Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phê duyệt; 5 website cung cấp dịch vụ đã thực hiện đăng ký và được Cục TMĐT và Kinh tế số xác nhận. Ngoài ra, đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh có kết nối Internet, khoảng 75% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm chuyên ngành trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng thư điện tử để giao dịch và thực hiện hợp đồng điện tử với đối tác nước ngoài.


Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, thời gian qua, cục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về TMĐT, kiểm tra theo thông tin, tin báo của người tiêu dùng; đồng thời các đội QLTT cũng chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 30 trường hợp; phát hiện và xử phạt 9 vụ với hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập website TMĐT bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 164 triệu đồng và tịch thu hàng hóa nhập lậu trị giá 9,6 triệu đồng.


Cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật


Ông Nguyễn Hoàng Quy - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục QLTT tỉnh cho biết, hiện nay, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng nhiều tài khoản đăng nhập vào các trang mạng xã hội để mua bán, kinh doanh nên việc quản lý hoạt động TMĐT của lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn. Một số tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT có địa chỉ gần giống với website TMĐT của doanh nghiệp khác nhằm mục đích lợi dụng thương hiệu, hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đó để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, gây nhầm lẫn đối với khách hàng. Trong khi đó, đến nay, chưa có quy định cụ thể về cách thức quản lý và chế tài xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân sử dụng các mạng xã hội để kinh doanh nên việc giải quyết các tranh chấp TMĐT, công tác quản lý nhà nước về hoạt động TMĐT cũng hạn chế. Ngoài ra, việc cập nhật danh sách các cơ sở đã thông báo, đăng ký trên Cổng thông tin quản lý TMĐT của Bộ Công Thương chưa kịp thời, đầy đủ; lực lượng QLTT chưa được tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực TMĐT và các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sai phạm trong hoạt động này.


Theo Sở Công Thương, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực công thương như: TMĐT, thanh toán điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, logistic… chưa có tính đồng bộ cao, chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh TMĐT đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, đối với hình thức bán hàng qua mạng xã hội và TMĐT qua biên giới, các cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, giá cả, chất lượng hàng hóa. Vì vậy, ngành Công Thương đề nghị các bộ, ngành Trung ương kiến nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao dịch điện tử; Cục Quản lý TMĐT và Kinh tế số cập nhật kịp thời và bổ sung thông tin về thời gian thông báo, đăng ký của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng QLTT để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, kiểm soát, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay.


MAI HOÀNG
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp