Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Nhà máy đường Biên Hòa - Ninh Hòa: Người dân cho rằng sản xuất gây ô nhiễm

Chủ nhật - 06/06/2021 11:29
Từ tháng 10-2020 đến nay, mỗi khi Công ty TNHH một thành viên đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) sử dụng than đá để đốt lò hơi trong quá trình tinh luyện đường, người dân xung quanh khu vực nhà máy phản đối và cho rằng, BHS-NH đang gây ô nhiễm môi trường. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nhà máy đường Biên Hòa - Ninh Hòa: Người dân cho rằng sản xuất gây ô nhiễm

Từ tháng 10-2020 đến nay, mỗi khi Công ty TNHH một thành viên đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) sử dụng than đá để đốt lò hơi trong quá trình tinh luyện đường, người dân xung quanh khu vực nhà máy phản đối và cho rằng, BHS-NH đang gây ô nhiễm môi trường.


Đốt than đá trước khi cho vận hành thử nghiệm


Ngày 4-6, lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã làm việc với BHS-NH và 30 hộ thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân để lắng nghe ý kiến, giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến việc BHS-NH sử dụng than đá trong quá trình sản xuất đường.

 

Lãnh đạo thị xã Ninh Hòa và người dân thị sát thực tế  tại khu vực nước thải của BHS-NH vào ngày 4-6.

Lãnh đạo thị xã Ninh Hòa và người dân thị sát thực tế tại khu vực nước thải của BHS-NH vào ngày 4-6.


Tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tân, thôn Phước Lâm ý kiến: “Cuối năm 2020, người dân trong thôn phát hiện không khí có mùi rất nồng, gây khó chịu khi hít thở. Chúng tôi tìm hiểu mới biết, BHS-NH trong quá trình hoạt động sản xuất đã đốt than đá thay vì bã mía như trước đây. Nhà máy sử dụng than đá trong quá trình sản xuất ở khu dân cư đông đúc nhưng người dân nơi đây không hề biết. Tại Ninh Xuân, chủ trương của Nhà nước chuyển đổi lò gạch, từ nung sang không nung, từ công nghệ cũ sang công nghệ mới, hiện đại hơn, ít ô nhiễm hơn thì tại sao lại cho BHS-NH sử dụng than đá?”.


Cùng với phản ánh việc BHS-NH sử dụng than đá gây ảnh hưởng đến môi trường, ông Đặng Ngọc Tân còn mang đến buổi làm việc chai nước có màu vàng đục mà ông lấy ở con sông cạnh nhà máy đường. Nước có mùi hôi thối và ông đặt nghi vấn về quá trình xử lý nước thải của BHS-NH.


Bà Phạm Ngọc Kim Thiện, thôn Phước Lâm nói: “Nhà máy đường dùng than đá trong sản xuất đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bản thân đang mang thai nên mỗi khi nhà máy hoạt động, tôi phải đi nơi khác vì không khí ngột ngạt, mùi khét… gây tức ngực, khó thở, choáng váng đầu óc”. Tại buổi làm việc, 30 hộ thôn Phước Lâm đều không đồng ý cho nhà máy đường sử dụng than đá để sản xuất ngay trong khu dân cư.


Theo báo cáo của Đảng ủy xã Ninh Xuân vào ngày 27-10-2020, qua nắm tình hình, người dân sống xung quanh BHS-NH phản ánh doanh nghiệp này sử dụng than đá trong quá trình đốt lò luyện đường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đối với vấn đề đốt lò hơi sử dụng than đá, ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc BHS-NH cho biết, nguyên liệu chính sử dụng cho lò đốt là cành keo, bã mía, trấu, gỗ và mùn cưa. Trong quá trình đốt có sử dụng than đá. chiếm tỷ lệ trộn 5 - 10%. Thời điểm tháng 10-2020, nhà máy trong quá trình bảo trì và vận hành thử nên công ty chưa lập hồ sơ hoàn chỉnh để xin phép sử dụng than đá trong quá trình đốt lò hơi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.


Theo ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu Sở TN-MT, ngày 19-10-2020, Bộ TN-MT đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nâng công suất nhà máy sản xuất đường Biên Hòa - Ninh Hòa từ 78.000 tấn sản phẩm/năm lên 180.000 tấn sản phẩm/năm”. Trong dự án này có hạng mục cải tạo lò hơi 50 tấn hơi/giờ, nhiên liệu sử dụng là than đá hoặc biomass. Sau khi kiểm tra, rà soát, Sở TN-MT đã cho phép vận hành thử nghiệm hệ thống này từ ngày 20-11-2020.


Như vậy, BHS-NH đã sử dụng than đá tạo nhiệt cho lò hơi vào tháng 10-2020 (theo xác minh của Đảng ủy xã Ninh Xuân). Nhưng phải đến tháng 11-2020, đơn vị này mới được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.


Sai sót trong tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư


Vào ngày 17-5, hơn 20 người dân ở thôn Phước Lâm đã tập trung trước cổng BHS-NH để chặn, không cho xe chở than nhập than vào nhà máy và phản đối việc BHS-NH sử dụng than để vận hành lò hơi. Vụ việc căng thẳng, có dấu hiệu gây mất trật tự. Người dân phản đối việc BHS-NH sử dụng than đá và yêu cầu chính quyền, công ty, sở, ngành trả lời tại sao cho BHS-NH sử dụng than đá mà không tổ chức thông tin rộng rãi cho nhân dân được biết theo quy định của pháp luật.


Theo quy định, trong hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án nâng công suất kể trên, phải có bước tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư nơi đặt dự án. Qua xác minh của UBND thị xã Ninh Hòa, trong hồ sơ tham vấn có Biên bản họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án vào ngày 19-5-2020 tại UBND xã Ninh Xuân do ông Nguyễn Trinh - nguyên Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân và ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc BHS-NH đồng chủ trì, với sự tham gia của đơn vị tư vấn lập ĐTM và 20 người dân thường trú tại thôn Phước Lâm. Nhưng trên thực tế, việc tổ chức tham vấn lại không phải như trong hồ sơ. Cụ thể, UBND thị xã Ninh Hòa xác minh vào tháng 5-2020, công ty có đề nghị UBND xã Ninh Xuân tổ chức thực hiện tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 nên UBND xã không tổ chức họp mà cử người đến nhà các hộ lân cận nhà máy để lấy chữ ký vào danh sách đại biểu tham dự cuộc họp tham vấn cộng đồng dân cư.


Ngay trong Biên bản họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, thành phần tham dự không có đại diện UBMTTQ Việt Nam xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thôn theo quy định của pháp luật. Nội dung biên bản do đơn vị tư vấn ĐTM lập, UBND xã Ninh Xuân ký biên bản nhưng không nắm rõ nội dung; công ty ký biên bản sau khi nhận được biên bản đã ký từ UBND xã Ninh Xuân; thành phần ký tên tại biên bản đều không nắm nội dung về việc cải tạo lại lò hơi 50 tấn/giờ của nhà máy từ đốt bã mía sang đốt than đá hoặc biomass.


Tất cả các văn bản, biên bản tham vấn cộng đồng dân cư chỉ nói về việc nhà máy thực hiện nâng công suất, không đề cập đến nội dung tăng thời gian hoạt động của nhà máy từ 6 tháng/năm lên 10 tháng/năm và cải tạo lò hơi 50 tấn hơi/giờ từ nguyên liệu đốt bã mía sang đốt than đá hoặc biomass. Trong khi đó, đây mới là nội dung chính cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư.


Sẽ xác minh làm rõ

Theo ông Nguyễn Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, căn cứ các quy định của pháp luật và kết quả xác minh nêu trên, UBND xã Ninh Xuân và BHS-NH đã không thực hiện đúng việc tổ chức họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án theo quy định. UBND thị xã Ninh Hòa đã đề nghị Sở TN-MT xem xét, rà soát hồ sơ tham vấn ĐTM của dự án, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hiện nay, các cơ quan, phòng chuyên môn của thị xã tổ chức xác minh thông tin người dân phản ánh, tổ chức lấy mẫu nước thải để kiểm nghiệm. Đồng thời, thị xã đề nghị Sở TN-MT, UBND tỉnh xem xét, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét lại đối với dự án này.


Trước mắt, UBND thị xã Ninh Hòa yêu cầu UBND xã Ninh Xuân, thôn Phước Lâm tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. UBND xã Ninh Xuân, Công an thị xã Ninh Hòa tiếp tục bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã; tổ chức tuyên truyên người dân chấp hành đúng quy định của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình để gây rối an ninh trật tự.


UBND thị xã Ninh Hòa cũng đã công bố đường dây nóng và chia sẻ số điện thoại của lãnh đạo thị xã, lãnh đạo cơ quan chức năng để người dân thôn Phước Lâm có thể phản ánh trực tiếp với chính quyền khi phát hiện tình trạng ô nhiễm khí thải, ô nhiễm không khí tại BHS-NH.

 

Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc BHS-NH: 3 năm gần đây, lượng mía nguyên liệu liên tục giảm. Trước đây, mỗi mùa vụ nhà máy nhập về 600 - 650 nghìn tấn mía, hiện nay chỉ còn 200 - 250 nghìn tấn mía. Vì vậy, công ty phải nhập đường thô về để chế biến. Để chế biến đường thô, công ty đã đầu tư công nghệ, cụ thể là cải tạo lò hơi, trong đó có đốt than đá. Tổng chi phí đầu tư lò hơi 70 tỷ đồng. Đây là công nghệ được nhiều tập đoàn lớn đang sử dụng, như: Unilever, Pepsi, Cocacola, Vinamilk…
Quá trình vận hành thử nghiệm lò hơi nói trên, toàn bộ các thông số đo đạc về môi trường đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép theo quy định. Về môi trường đã có luật quy định, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không đơn thuần là phạt hành chính. Tôi với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp, xin chịu mọi trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường theo quy định.


Hồng Đăng

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp