Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ tư - 16/09/2020 12:06
10 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng, nâng tỷ lệ lao động khu vực này qua đào tạo lên 60%. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
10 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng, nâng tỷ lệ lao động khu vực này qua đào tạo lên 60%. Từ những ngành nghề đã học, lao động nông thôn đã có nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt. Giai đoạn tới, việc đào tạo sẽ chú trọng vào các lĩnh vực phục vụ cho phát triển nông nghiệp.
 
Hàng trăm nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề
 
Năm 2009, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trên cơ sở này, tỉnh đã xây dựng Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cơ bản là đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 35% năm 2010 lên 47,5% vào năm 2015 và năm 2020 đạt 60%. Thực hiện đề án, việc xây dựng bộ khung ngành nghề phù hợp được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, qua nhiều đợt khảo sát, tỉnh đã xác định được nhu cầu học nghề, từ đó ban hành danh mục 62 nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, trong đó có 15 nghề nông nghiệp và 47 nghề phi nông nghiệp. Danh sách này được cập nhật, đánh giá bổ sung hàng năm, trên cơ sở đáp ứng được các đòi hỏi về tính cần thiết, phù hợp, nhất là bảo đảm mục tiêu lao động qua đào tạo nghề được giải quyết việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân. Đó là các ngành nghề gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông và xây dựng nông thôn mới.

 

10 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng, nâng tỷ lệ lao động khu vực này qua đào tạo lên 60%.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh. Ảnh: Văn Giang
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nổi bật nhất trong số các ngành nghề đó là công tác đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên, thợ máy tàu cá. 10 năm qua, đã có hơn 4.000 lao động trong lĩnh vực này được đào tạo. Tất cả các học viên đều có việc làm sau khi học nghề, thu nhập khá ổn định và cao hơn trước, đảm bảo được đời sống. Quan trọng hơn, ngư dân được học nghề đã nâng cao được ý thức cộng đồng, tổ chức hợp tác, liên kết với nhau trong việc khai thác thủy sản, nâng cao năng suất lao động và chuyên nghiệp hơn trong công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển, cũng như có ý thức tuân thủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
 
Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh có 94.450 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, có 17.477 lao động được Nhà nước hỗ trợ đào tạo với kinh phí hơn 27,6 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt hơn 88,1%. Giai đoạn 2016 - 2019, có hơn 74.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, có hơn 13.627 lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo của Nhà nước, kinh phí hơn 22 tỷ đồng, tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo hơn đạt 94%. Ước thực hiện năm 2020 sẽ có hơn 20.000 lao động nông thôn tham gia học nghề, gần 10% trong số này được Nhà nước hỗ trợ đào tạo.
 
Chú trọng lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao
 
Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trang bị kiến thức, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Hình thức, nội dung đào tạo đã chuyển từ vai trò làm thay sang hỗ trợ và định hướng. Điều này tạo chuyển biến tích cực trong tư duy kinh tế của người lao động. Trong giai đoạn qua, nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, an toàn đã được xây dựng, thí điểm, chuyển giao và nhân rộng. Cụ thể, kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển; quy trình canh tác nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng; phát triển cây bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP; sản xuất khổ qua trên đất lúa kém hiệu quả; nuôi kết hợp tôm sú với cua xanh; nuôi cá mú Trân Châu trong lồng; trồng cây măng tây; nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm...
 
Đây cũng sẽ là cách làm được tỉnh định hướng khuyến khích trong giai đoạn tới. Theo đó, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, gắn với đào tạo nghề để hỗ trợ lao động nông thôn có thể làm chủ được mô hình đó. Đồng thời, việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho các học viên sẽ ưu tiên cho thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại… Trong đó, chú trọng đào tạo các lĩnh vực phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.
 
Hồng Đăng
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp