Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Kỳ 1: Ký ức về những chuyến tàu không số

Thứ năm - 21/10/2021 11:35
Ngày 23-10-1961, Đoàn 759 vận tải thủy được thành lập nhằm vận tải vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, tàu chở vũ khí được giả dạng tàu cá để chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam lập nên kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển... Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Kỳ 1: Ký ức về những chuyến tàu không số
Ngày 23-10-1961, Đoàn 759 vận tải thủy được thành lập nhằm vận tải vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, tàu chở vũ khí được giả dạng tàu cá để chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam lập nên kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển. Lớp người đi tàu không số năm xưa nay đều đã bước vào tuổi cổ lai hy, những dòng hồi ức sống động của họ dù chưa đầy đủ nhưng đã góp phần tô tắm thêm “huyền thoại” đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
Kỳ 1: Ký ức về những chuyến tàu không số
 
 
Những chuyến tàu mở bến
 
Theo tác phẩm Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2011), sau những lần dò đường thất bại rồi thành công, đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 mang mật danh Phương Đông 1 với 13 cán bộ, đảng viên do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí rời bến Vạn Sét, Đồ Sơn (Hải Phòng) hướng vào miền Nam. Sau 6 ngày, đêm 16-10-1962, tàu cập bến Vàm Lũng, Cà Mau an toàn. Toàn bộ vũ khí được cơ sở tiếp nhận, chuyển nhanh ra chiến trường. Vui mừng trước chuyến mở đường thành công, ngay trong đêm đó, Quân ủy Trung ương và Đoàn 759 đã lệnh cho tàu Phương Đông 2 xuất bến. Điểm đến vẫn là bến Vàm Lũng. Máy trưởng của tàu Phương Đông 2 năm ấy chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Nhạn (hiện sống ở phường Phước Long, TP. Nha Trang). 
 

 

1
Ông Phan Nhạn, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Tuyên và các chiến sĩ tàu không số xem một vỏ đạn thu được tại hiện trường khu vực chiến đấu của tàu C235 ở bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân, Ninh Hòa.
 
 
Ở tuổi 90 nhưng ông Nhạn vẫn nhớ khá rõ về chuyến tàu không số đầu tiên của đời mình. Lịch trình của tàu là đi qua đảo Hải Nam, rồi bọc ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa ở vùng lãnh hải quốc tế để tránh sự kiểm soát gắt gao của địch. Thế nhưng, khi tàu vừa ra đến vùng khơi thì gặp gió lớn nên phải mạo hiểm đi vào mé trong quần đảo Hoàng Sa. Đến vĩ tuyến 17, tàu bị mất liên lạc với đất liền vì máy vô tuyến điện bị hỏng. Chi bộ của tàu triệu tập cuộc họp để lấy ý kiến nên đi tiếp hay quay về, mọi người quyết tâm “Lên đường!”. Tàu đến vùng biển Cà Mau chậm mất 2 ngày so với dự kiến. “Suốt 3 giờ đánh tín hiệu, tàu vẫn không bắt được liên lạc. Chúng tôi đành liều nhờ tàu cá của ngư dân dẫn đường, cập bến an toàn. Sau một hành trình gian khổ, nhiều người lả đi vì kiệt sức nhưng ai cũng vui mừng, ôm nhau khóc vì sung sướng khi đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nhạn kể.
 
Tiếp lửa cho Khu V
 
Sau những chuyến vượt biển thành công, Đoàn 759 chuyển sang đi tàu sắt với tải trọng lớn hơn, tốc độ nhanh hơn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vũ khí trên những điểm nóng của chiến trường miền Nam. 
 
Năm 1964 - 1965, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định mở luồng đổ hàng vào Vũng Rô (Phú Yên) nhằm cung cấp vũ khí cho chiến trường Khu 5. Nhiệm vụ mở đường được giao cho tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu. Người máy trưởng lão luyện Phan Nhạn lại góp mặt trên tàu 41, cùng đi với ông có pháo thủ Nguyễn Văn Tuyên (78 tuổi, hiện ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Nhận hàng từ Bãi Cháy, Quảng Ninh, để tránh sự nhòm ngó của địch, tàu 41 đi vòng qua bán đảo Lôi Châu - đảo Hải Nam rồi tiến thẳng ra hải phận quốc tế. Sau 3 ngày đêm vượt hiểm nguy, đêm 28-11-1964, tàu 41 hướng vào bến Vũng Rô. “Tàu vào tới mũi đá (cửa bến Vũng Rô), phát hiện có ánh lửa leo lét, chập chờn phía xa trong vách núi, thuyền trưởng lệnh cho tôi cùng 2 thủy thủ chèo thuyền nhỏ vào liên lạc với bến, đồng thời trên tàu triển khai phương án chiến đấu. Vào bãi cạn, đánh tín hiệu, 2 bên nhận ra nhau, tàu nhanh chóng vào bến để thả hàng. Đang dỡ hàng thì bến bị hỏng nên lãnh đạo bến và tàu đánh điện xin cấp trên xin nán lại một ngày để đêm hôm sau tiếp tục thả hàng. Để tránh bị lộ, tàu được đưa vào một điểm sát vách núi, phủ kín lưới đánh cá. Cán bộ, chiến sĩ tàu cùng anh em trên bến được rút lên núi đá, chỉ còn thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn trực chiến, sẵn sàng cho nổ tàu khi có tình huống xấu xảy ra. Qua đêm hôm sau, việc bốc dỡ hàng được tiến hành thuận lợi, an toàn”, ông Tuyên kể.
 
Tiếp theo thành công của chuyến mở đường, tàu 41 tiếp tục vận chuyển hàng thêm 2 chuyến nữa vào Vũng Rô. Trong đó, chuyến thứ 3, tàu 41 giao nhận hàng đúng đêm giao thừa Tết 1965. “Chúng tôi tranh thủ đón Tết ngay trên tàu. Từ khoang báo vụ, chiếc radio vang lên lời chúc Tết của Bác Hồ. Trong không khí hân hoan, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thay mặt anh em thủy thủ chúc Tết cán bộ và nhân dân địa phương nhân dịp đầu xuân. Trong giờ phút chia tay bịn rịn giữa người ở, người đi, bất chợt cô giao liên trẻ xuất hiện, cầm trên tay nắm đất bọc cẩn thận trong chiếc khăn tay trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, giọng run run cô nói: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất. Dù giặc càn quét, lùng sục gắt gao, nhân dân nơi đây vẫn một lòng, một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, quyết đuổi sạch bóng quân thù”. Câu nói làm tất cả mọi người đều xúc động”, ông Tuyên nhớ lại.
 

 

1
Ông Phan Nhạn, Trần Ngọc Tuấn và các chiến sĩ tàu không số trò chuyện với học sinh Trường THCS Phan Vinh về đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh tư liệu).
 
 
Chính trị viên những con tàu anh hùng
 
Ông Trần Ngọc Tuấn (89 tuổi, sống ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cũng là người kỳ cựu đi tàu không số. Giai đoạn 1962 - 1968, ông Tuấn có 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam trên các tàu 56, 55, 43 với vai trò là chính trị viên, Bí thư chi bộ. Cả 3 tàu đều được phong đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Kỷ niệm thì nhiều, nhưng ông Tuấn tự hào nhất chuyến đi cùng thuyền trưởng Lê Quốc Thân chỉ huy tàu 56 vận chuyển hơn 50 tấn vũ khí vào bến Lộc An, Bà Rịa - Vũng Tàu cuối năm 1964. “Tối 18-12-1964, tàu 56 khởi hành vào Nam. Đến 21 giờ ngày 22-12-1964, tàu mới vào được cửa sông. Thuyền trưởng ra lệnh tổ thông tin phát tín hiệu nhưng không thấy trong bờ trả lời; cử 2 chiến sĩ bơi vào bờ bắt liên lạc cũng không có tín hiệu đáp trả. Tôi và thuyền trưởng hội ý và quyết định ra lệnh cho tàu tiếp tục vào bến. Thủy thủ dùng sào và thả dây đo từng mét nước để tính toán, đưa tàu vượt qua các cồn cát. Đến 22 giờ 30, tàu vào bến Lộc An an toàn. Tàu vừa vào bến, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 đã chờ sẵn, nhận hàng đến đâu trang bị đến đấy. Nhờ kịp thời chi viện vũ khí, đạn dược, chiến dịch Bình Giã của ta đã giáng một đòn sấm sét vào quân chủ lực của Mỹ - Ngụy”, ông Tuấn kể.
 
 
1
Một chuyến tàu không số giả dạng tàu cá vận chuyển vũ khí vào miền Nam.
 
 
Tháng 3-1967, ông Tuấn cùng thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng chỉ huy tàu 43 chở hàng vào Sa Kỳ, Quảng Ngãi. Khi tàu chuẩn bị tiếp cận bờ thì máy bay trinh sát cùng tàu chiến của Mỹ phát hiện, vây đuổi rất rát. Ông Tuấn cùng đồng đội quyết định bơi vào bờ rồi cho nổ tung con tàu cùng toàn bộ vũ khí mang theo. Ròng rã hơn 2 tháng trời đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc, chưa kịp hồi sức, cấp trên lại giao nhiệm vụ cho tàu 43 (tàu mới nhưng vẫn giữ phiên hiệu cũ) chở 37 tấn vũ khí vào huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để phục vụ Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Trên đường đi, máy bay và tàu chiến của địch đã phát hiện và theo dõi các hoạt động của tàu. Đến 0 giờ 50 phút ngày 1-3-1968, khi còn cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 20 hải lý thì tàu bị 4 tàu chiến của địch bao vây. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ngoan cường,  tàu 43 đã bắn cháy 1 tàu chiến, bắn rơi 3 máy bay HU-1A và làm hư hại nhiều tàu cao tốc khác của địch. Tuy nhiên, do cuộc quyết chiến không cân sức, nhiều chiến sĩ bị thương. Lái tàu Vũ Xuân Ruệ và pháo thủ Võ Nho Tòng trúng đạn hy sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hội ý với ông Tuấn quyết định hủy tàu không để lọt vào tay địch... Ngay sau khi lên bờ, cán bộ, thủy thủ tàu 43 tìm cách liên lạc và được du kích thôn Qui Thiện giúp đỡ. Sau gần một tuần, tất cả những người bị thương đã được đưa về bệnh xá Đức Phổ, được bác sĩ Đặng Thùy Trâm điều trị vết thương. “Đến giờ này, tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh đồng chí Ruệ, chiến sĩ lái tàu bị thương nặng toàn thân, ngã xuống ca bin nhưng tay vẫn ghì chặt vòng lái để giữ cho tàu lao đúng hướng vào bờ, rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi khi tôi chưa kịp băng xong vết thương. Hay đồng chí Võ Nho Tòng, y tá kiêm pháo thủ số 2 trúng đạn hy sinh tay vẫn ôm chặt quả đạn… Tôi cũng không quên được tình cảm bác sĩ Đặng Thùy Trâm dành cho anh em tàu 43 năm ấy”, ông Tuấn xúc động kể lại. 
 
60 năm đã qua, lớp người đi tàu không số năm xưa như ông Phan Nhạn, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Tuyên… không còn nhiều. Ký ức về những chuyến tàu không số của họ đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
XUÂN THÀNH
 
 
Kỳ 2: Tàu C235 và khúc tráng ca bất tử
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp